A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng cục Thuế thực hiện 7 nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm

Kế hoạch cải cách hành chính của Tổng cục Thuế năm 2023 đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm của các đơn vị trong ngành Thuế và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023.

Tổng cục Thuế thực hiện 7 nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm

Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 được Tổng cục Thuế ban hành nhằm mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính số trong lĩnh vực thuế góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Tổng cục Thuế trong việc chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ, Bộ Tài chính triển khai thực hiện công tác cải cách quản lý thuế, hướng đến việc xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đổi mới cơ chế quản lý thuế.

Tại Kế hoạch này, Tổng cục Thuế đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản, nổi bật bao gồm:

Một là, cải cách thể chế: Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong ngành Thuế đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Thuế.

Hai là, cải cách thủ tục hành chính: Các đơn vị trong toàn ngành Thuế hoàn thiện toàn diện các quy định về nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các khâu trung gian, quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, quy định rõ trách nhiệm, minh bạch trong thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, kể cả tham nhũng vặt trong tổ chức thực hiện; bảo đảm tạo thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát.

Trong đó, tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1865/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Đổi mới việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa Bộ Tài chính và Quyết định số 1866/QĐ-BTC ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin

Ba là, cải cách tổ chức bộ máy: Ngành Thuế tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 34-KL/TW phù hợp với đặc thù và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của ngành; xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hợp lý, linh hoạt ứng phó với các vấn đề có tính toàn cầu, đáp ứng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bốn là, cải cách công vụ: Tại nhiệm vụ này, kế hoạch nêu rõ hoàn thiện các quy định về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; triển khai có hiệu quả quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành thuế theo hướng "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả"; thực hiện đánh giá công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và gắn với vị trí việc làm, thông qua chất lượng giải quyết công việc, sản phẩm cụ thể.

Năm là, cải cách tài chính công: Nghiên cứu và xây dựng các đề án hoàn thiện thể chế thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về thuế; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hợp tác quốc tế về thuế; nghiên cứu, đề xuất các chương trình hợp tác quốc tế về cải cách hành chính thuộc lĩnh vực thuế.

Sáu là, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu, rà soát, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tham gia triển khai Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Kết nối trục liên thông văn bản quốc gia ổn định tiến tới nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu số kết nối các thông tin cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính với các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Bảy là, chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: Kế hoạch nêu rõ phối hợp triển khai thực hiện Đề án xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Tổng cục Thuế. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền công tác cải cách hành chính của Tổng cục Thuế đảm bảo hiệu quả.

Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Tổng cục Thuế yêu cầu người đứng đầu mỗi đơn vị trong toàn ngành Thuế đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Thuế theo yêu cầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan