A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh lọc hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn, tín dụng hiệu quả

Theo chuyên gia, bên cạnh việc cải tổ thị trường TPDN, cần thanh lọc mạnh mẽ thị trường tín dụng. Nếu hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn chưa hiệu quả thì việc khơi thông chỉ mang tính ngắn hạn.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, cùng với những vấn đề phát sinh trong nước và những tác động tiêu cực dài hạn của dịch COVID-19, khu vực doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến vốn, dòng tiền và thanh khoản.

Đặc biệt trong câu chuyện tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư trung - dài hạn còn nhiều rào cản. Các kênh huy động vốn của doanh nghiệp hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng.... Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được xem là vấn đề nan giải nhất và là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn tới sự căng thẳng liên thông trên thị trường cổ phiếu lẫn tín dụng ngân hàng. 

Thảo luận tại toạ đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” ngày 17/3 do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, nhiều chuyên gia đã đánh giá cao sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua, mà nổi bật là sự ra đời của Nghị định 08/2023/NĐ-CP về phát hành TPDN. Tuy nhiên, để Nghị định 08, cùng nhiều Nghị quyết về khơi thông thị trường vốn của Chính phủ nhanh chóng mang lại hiệu quả trên thực tiễn, các chuyên gia đều cho rằng còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới. 

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đánh giá, rủi ro lớn nhất với thị trường TPDN hiện nay là sẽ có một khối lượng lớn TPDN sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024 do sự phát triển bùng nổ của thị trường trong giai đoạn 2019-2021. Theo số liệu của VBMA, năm 2023 sẽ có khoảng 271.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó số lượng của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là khoảng 119.000 tỉ đồng; năm 2024, giá trị trái phiếu đáo hạn khoảng 330.000 tỷ đồng (trong đó, của doanh nghiệp BĐS là 110.000 tỷ đồng); tất cả đều chưa tính tiền lãi. 

“Vì vậy, để phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam, cần quyết liệt xử lý nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư; kiểm soát việc đại chúng hoá ở thị trường thứ cấp như thời gian qua; khuyến khích các tổ chức tư vấn độc lập về đầu tư trái phiếu; nâng cao chất lượng dòng tiền của tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là cho những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ, khi phát hành TPDN riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó TGĐ VietinBank Securities nhận định, dù Nghị định 08 đã tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên cần khuyến khích đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cần xác định rõ đây là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, làm minh bạch thị trường; cùng với đó, có thể khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực; tham gia vào các diễn đàn và hợp tác quốc tế về việc xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. 

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, vấn đề cốt lõi của thị trường vốn đó là niềm tin từ các yếu tố vĩ mô, triển vọng phát triển kinh tế trong và ngoài nước; Niềm tin của nhà đầu tư về những lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ. Thực tế, thị trường TPDN đã phát triển quá nhanh trong thời gian qua, việc phanh gấp quá trình phát triển này sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và bản thân thị trường.

Do đó, xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định là cần thiết để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, nhưng quá trình xử lý không được để nhà đầu tư mất niềm tin vào toàn bộ thị trường, kể các các doanh nghiệp tốt, hoạt động tuân thủ đúng pháp luật.

Ông Tú Anh cũng đề xuất thêm, nên chăng Việt Nam cần xây dựng định chế về mua bảo hiểm đầu tư trái phiếu. Thị trường thế giới đã có giao dịch CDF rất phổ biến và Việt Nam có thể tính toán đến việc này, nhằm tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Ví dụ các công ty xếp hạng tín nhiệm đánh giá tín nhiệm về một công ty phát hành nào đó, trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm, các định chế sẵn sàng đứng ra bảo hiểm cho sản phẩm trái phiếu đó.

Về vấn đề này, bà Tạ Thanh Bình  - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước - nêu quan điểm là TTCK Mỹ đã có một định chế thành lập từ năm 1970 là quỹ bảo vệ nhà đầu tư, bảo hiểm cho khoản đầu tư nhưng chỉ bảo hiểm cho tài sản nhà đầu tư không bị thiệt hại bởi các vi phạm, chứ không thể bảo hiểm các giá trị luôn có lãi hoặc rủi ro mất vốn. Điều đó phụ thuộc vào chất lượng kinh doanh của các tổ chức phát hành.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh, không thể có công ty nào đứng ra bảo hiểm cho TPDN vì chi phí rất cao, do đó, chỉ có ngân hàng bảo lãnh cho các trái phiếu phát hành, còn việc bảo hiểm cho trái phiếu là hoàn toàn bất khả thi.

Chia sẻ thêm góc nhìn của mình, TS. Hiếu cho rằng, bên cạnh việc cải tổ thị trường TPDN, chúng ta cần cải tổ, thanh lọc mạnh mẽ thị trường tín dụng. Trong hệ thống hiện có nhiều ngân hàng có sức khoẻ tài chính yếu kém, Ngân hàng Nhà nước nên dần suy xét sàng lọc hệ thống.

“Muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất. Nếu chúng ta đi tìm những giải pháp để khơi thông nguồn vốn mà hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn đó chính là ngân hàng và hệ thống ngân hàng chưa hoạt động một cách hiệu quả thì việc khơi thông nguồn vốn chỉ mang tính ngắn hạn và giải quyết tình thế”, TS. Hiếu phát biểu. 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan