Phương án nào để Campuchia đa dạng hóa xuất khẩu?
Trong thập kỷ qua, Campuchia đã có sự tiến triển trong việc hội nhập vào mạng lưới thương mại toàn cầu và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu của mình vượt ra khỏi những sản phẩm truyền thống như hàng may mặc và dệt may.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh thương mại toàn cầu đang thay đổi, quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với những thách thức như gián đoạn thương mại và gia tăng cạnh tranh. Thế nên, điều quan trọng đối với Campuchia hiện nay là dựa trên thế mạnh của mình để xác định và tạo ra các sản phẩm nhằm tiến lên các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Hồ sơ xuất khẩu của Campuchia đã trải qua những chuyển biến cả về sản phẩm và đối tác thương mại. Dù dệt may vẫn là ngành xuất khẩu chính, nhưng tỷ trọng của ngành này trong tổng xuất khẩu đã giảm xuống còn 40% trong giai đoạn 2020-2023, giảm từ 70% trong giai đoạn 2011-2015. Trong thập kỷ qua, Vương quốc đã bắt đầu có sự chuyển dịch tích cực sang các sản phẩm xuất khẩu mới, như máy móc, nhựa cao su và các sản phẩm rau củ quả. Vương quốc cũng đang mở rộng và đa dạng hóa thị trường từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sang các nước ASEAN.
Một nghiên cứu tỉ mỉ hơn về sự tham gia vào GVC hiện tại của Campuchia cho thấy cả sự tiến bộ và thách thức mà nước này phải đối mặt.
Theo Báo cáo Tư vấn Hàng năm 2024 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) về Campuchia, nước này đã xoay sở để nắm giữ một tỷ lệ tương đối giá trị gia tăng trong nước (DVA) trong các mặt hàng xuất khẩu của mình.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thể hiện tốt thông qua việc sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, ngành sản xuất này cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn do phụ thuộc quá nhiều vào các phụ tùng và vật liệu nhập khẩu. Điều này có nghĩa là Campuchia cần phải xây dựng năng lực sản xuất trong nước và hướng tới nguồn cung trong nước mạnh mẽ hơn.
Theo phân tích mức độ đa dạng hóa và tính phổ biến của AMRO, hỗn hợp xuất khẩu của Campuchia ít đa dạng hơn so với các nước như Việt Nam hoặc Sri Lanka. Hơn nữa, quốc gia này có xu hướng sản xuất những mặt hàng đã được sản xuất rộng rãi ở các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Campuchia có tiềm năng cải thiện vị thế của mình trong mạng lưới thương mại toàn cầu và thúc đẩy sự đa dạng hóa và tính phổ biến xuất khẩu. Quốc gia Đông Nam Á này đã khởi động các giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi cấu trúc. Trong quá trình này, Vương quốc nhắm đến việc chuyển đổi ngành sản xuất từ các hoạt động cần sử dụng nhiều lao động sang các sản phẩm đa dạng hơn và có giá trị gia tăng cao hơn.
Có một số phương hướng để Campuchia đa dạng hóa vào các sản phẩm mới và tăng cường tính phổ biến bằng cách chuyển sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, cái khó khăn hơn đó là việc xác định cần tập trung vào ngành nào.
Khi lựa chọn ngành để đa dạng hóa, Campuchia cần xem xét mức độ phức tạp, khả năng kết nối cũng như tương lai hứa hẹn của từng ngành. Việc bước vào một ngành sản xuất tiên tiến hơn có thể mang lại lợi ích lâu dài nhưng kèm theo đó là những thách thức, nhất là việc phải học hỏi công nghệ mới. Thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích chuyển giao công nghệ cũng rất quan trọng. Hơn nữa, Campuchia cần có một chiến lược rõ ràng để hỗ trợ cho những nỗ lực này để đảm bảo nước này có thể sử dụng và hưởng lợi hiệu quả từ những tiến bộ đó.
Có 2 chiến lược rộng lớn Campuchia có thể cân nhắc:
Một là chiến lược cân bằng. Chiến lược này sẽ tập trung vào những ngành mà Vương quốc đã có sẵn một số thế mạnh, chẳng hạn như chế biến thực phẩm, hàng may mặc và máy móc.
Hai là chiến lược nhảy vọt lớn. Đây là chiến lược nhiều tham vọng hơn và nhắm đến các ngành sản xuất công nghệ cao và phức tạp, chẳng hạn như máy móc nặng.
Trong trường hợp của Campuchia, “chiến lược cân bằng” dường như thực tế hơn vì nó tận dụng được thế mạnh của đất nước. Hơn nữa, sự đa dạng hóa dần có thể giúp nước này tránh được những thay đổi đột ngột và quá trình chuyển đổi sẽ mượt mà, ít rủi ro hơn so với “chiến lược nhảy vọt lớn”.