Phân hóa mạnh hơn khi thị trường vào vùng đỉnh lịch sử, chuyên gia khuyến nghị hạ margin
VN-Index vừa có tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ cuối năm 2022 và áp sát vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm, MBS Research cho biết, bên cạnh đó việc thanh khoản được đẩy lên mức cao kỷ lục có thể đi kèm rủi ro về tỷ lệ đòn bẩy.
Báo cáo mới cập nhật của MBS Research cho biết, chỉ số VN-Index vừa có tuần tăng mạnh nhất trên thế giới: +5,1%/tuần, +10/8%/tháng và +19,3%/3 tháng. Đây là mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2022.
Khối lượng giao dịch cũng lập kỷ lục với 6,1 tỷ cổ phiếu được trao tay thông qua khớp lệnh trên sàn HOSE và 7,1 tỷ cổ phiếu trên cả 3 sàn.
Bên cạnh đó, giá trị giao dịch cũng tiệm cận mức cao kỷ lục hồi tháng 3/2022 khi chỉ số VN-Index ở vùng 1.500 điểm.
Đà tăng của thị trường thực sự mạnh mẽ kể từ phiên khối ngoại quay trở lại mua ròng (ngày 2/7), chỉ số này đã tăng gần 80 điểm trong mức tăng 117 điểm kể từ khi vượt đỉnh 1.350 điểm. Trong tuần tăng mạnh vừa qua, chỉ số VN-Index tăng hơn 70, trong đó nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE) đóng góp 27 điểm, các cổ phiếu lớn khác hỗ trợ thị trường chủ yếu là: Ngân hàng (VCB, BID, VPB, CTG) và Thép (HPG).
Tín hiệu đáng chú ý là dòng tiền đang có sự phân hóa dù thanh khoản thị trường đã tăng lên mức kỷ lục và chỉ số đã bứt tốc mạnh mẽ. Việc dòng tiền khá tập trung trong bối cảnh thanh khoản ở vùng đỉnh lịch sử có thể là rủi ro đối với thị trường ở thời điểm hiện tại.
“Chúng tôi cho rằng, trạng thái phân hóa sẽ còn mạnh hơn trong tuần này khi thị trường đi vào vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Lúc này, hoạt động mua ròng từ khối ngoại đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư, có thể nói đây là nhân tố đang lấn át các yếu tố tác động khác”, chuyên gia MBS Research nêu quan điểm.
Sau 8 phiên mua ròng liên tiếp gần 12.000 tỷ đồng sau, một số tín hiệu cần chú ý trong thời gian tới được chuyên gia MBS Research đề cập là tổng giá trị giao dịch mua hoặc mua ròng giảm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường lúc này.
Bên cạnh yếu tố dòng vốn ngoại, việc thanh khoản lên mức cao kỷ lục cũng đi kèm với mức sử dụng đòn bẩy tăng cao, đây cũng là tín hiệu đáng lưu ý khi cả chỉ số và thanh khoản đã bứt tốc lên vùng đỉnh lịch sử. Lúc này thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ cho mạch tăng tiếp diễn của thị trường hướng tới mức cao lịch sử ở khu vực 1.500 điểm.
“Chúng tôi vẫn lưu ý nhà đầu tư chú ý về mức độ phân hóa có thể còn rõ nét ở tuần này, bên cạnh đó việc thanh khoản được đẩy lên mức cao kỷ lục có thể đi kèm rủi ro về tỷ lệ đòn bẩy. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên quan sát kỹ diễn biến của dòng vốn ngoại sau 2 tuần mua ròng khá mạnh vừa qua”, báo cáo MBS Research nêu.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index có thể có nhịp rung lắc trong tuần này khi thuế quan của Tổng thống Trump gây chú ý với việc áp thuế lên 30% đối với Mexico và EU, bên cạnh đó tuần này cũng là tuần đáo hạn phái sinh sau nhịp tăng mạnh và việc VN-Index đi vào vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm sẽ khiến nhà đầu tư chủ động chốt lời.
Theo đó, chiến lược giao dịch được chuyên gia khối nghiên cứu MBS đưa ra là chủ động hạ đòn bẩy trong bối cảnh thị trường đang mạnh để được mức giá tốt, tập trung vào cổ phiếu trong danh mục thay vì tham chiếu chỉ số chung.
Do hiện tượng phân hóa trong từng nhóm cổ phiếu nên mức tăng cũng khác nhau, nhà đầu tư có thể cơ cấu ở nhóm cổ phiếu chưa tăng hoặc nhóm cổ phiếu phòng thủ cho đến nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ giá hàng hóa đang tăng trở lại.