Nâng hạng thị trường chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và các kiến giải
Thị trường chứng khoán Việt Nam cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.
Kinh nghiệm quốc tế
Việc phân loại các thị trường chứng khoán được xem là có tầm quan trọng đối với môi trường tài chính của một quốc gia. Trong đó, FTSE Russell và MSCI có các tiêu chí cụ thể mà họ sử dụng để xác định một quốc gia được phân loại là cận biên, mới nổi hay đã phát triển, bao gồm các phép đo về quy mô và tính thanh khoản, cũng như các yếu tố khả năng tiếp cận thị trường.
Việc nâng hạng của đất nước từ thị trường cận biên lên vị thế thị trường mới nổi là kết quả của các quy trình vận hành và quản lý được nâng cao
Gần đây nhất, cả Argentina và Ả Rập Xê Út đều được nâng hạng lên vị thế thị trường mới nổi, do kết quả trực tiếp của việc các Chính phủ đã tích cực mở cửa thị trường tài chính của đất nước cho các nhà đầu tư toàn cầu và các sản phẩm chuyên biệt. Theo đó, chính quyền Argentina đã loại bỏ các hạn chế ngoại hối và kiểm soát vốn, loại bỏ dự trữ tiền mặt,... Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã chuyển từ chu kỳ thanh toán giao dịch T+ 3, đến chu kỳ T+2. Sự thay đổi này đưa sàn giao dịch phù hợp với các sàn giao dịch khác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, xếp hạng tín dụng “B” của Argentina cho thấy khả năng kinh tế dễ bị tổn thương vẫn còn.
Còn với Ả Rập Xê Út, đất nước này đã tiến hành cải cách nhanh chóng như một phần của “Kế hoạch kinh tế tầm nhìn 2030” nhằm tăng cường đầu tư và giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Các công ty niêm yết cũng đang điều chỉnh các thông lệ kế toán của họ với các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, cho phép các báo cáo tài chính của họ được so sánh trực tiếp với các công ty ở các quốc gia có cùng hệ thống. Hơn nữa, Cơ quan Thị trường Vốn Ả Rập Xê Út đã nới lỏng các hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào lĩnh vực tài chính địa phương.
Ngoài các khuôn khổ kỹ thuật và các quy định sửa đổi, việc nâng cấp phân loại có thể có tác động lan tỏa trên toàn bộ nền kinh tế và cải thiện danh tiếng kinh doanh của một quốc gia. Robert Abad, người sáng lập công ty tư vấn thị trường mới nổi Hoa Kỳ EM + BRACE cho biết, nó có tầm quan trọng như một phương pháp tiếp thị và quan hệ công chúng.
“Về lịch sử của Argentina, 100 năm trước, đất nước này là một gã khổng lồ về thương mại và là nước giàu thứ tám trên thế giới. Việc được dán nhãn là thị trường cận biên đã đặt nó vào cùng nhóm với các quốc gia cấp ba rõ ràng. Vì thế, việc phân loại thị trường mới nổi giúp nâng cao vị thế của Argentina hơn hẳn”, ông phân tích.
Một ví dụ khác như Kuwait, đã được thêm vào Chỉ số Mới nổi của FTSE vào tháng 9/2018, trong khi MSCI chỉ mới công bố gần đây về việc bổ sung các cổ phiếu Kuwait vào Chỉ số MSCI EM.
Đối với cả hai nhà cung cấp chỉ số, việc nâng hạng của đất nước từ thị trường cận biên lên vị thế thị trường mới nổi là kết quả của các quy trình vận hành và quản lý được nâng cao, nhằm cố gắng và đạt được mức độ tăng cường tiếp cận của nhà đầu tư toàn cầu đối với thị trường chứng khoán Kuwait. Riêng với MSCI, việc Kuwait trở thành thị trường mới nổi phụ thuộc lớn vào việc áp dụng một số cơ chế quản lý mới.
Mặc dù việc nâng cấp chỉ số mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái tài chính của một quốc gia, nhưng điều đó không đại diện cho toàn bộ câu chuyện về thị trường vốn. Nhận xét này dẫn đến một câu hỏi rộng hơn về vai trò của các chỉ số trong các thị trường mới nổi.
Jan Dehn, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Ashmore lưu ý rằng, những thị trường như vậy đại diện cho 60% GDP toàn cầu, nhưng chỉ 20% tài chính toàn cầu. “Các nền kinh tế mới nổi cần một lượng tài chính khổng lồ để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Vậy tại sao không bắt đầu bằng cách cố gắng giải quyết vấn đề này trước? Các tổ chức đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới (WB) có thể cung cấp các chỉ số bao trùm hơn, điều này sẽ có lợi cho mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế và tài chính của họ ở các thị trường mới nổi và cận biên”, ông nói.
Kiến giải cho thị trường Việt Nam
Theo ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã đang nỗ lực nâng cấp thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng, mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.
Ông Zafer Mustafaeglu
Trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ.
Theo đại diện WB, để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả. Trong đó, có 6 yếu tố của nền tảng thị trường cần được quan tâm sát sao bao gồm:
Thứ nhất là Thể chế. Cần nói đến những thể chế tạo ra chính sách, ban hành quy định, thực hiện chức năng giám sát và thực thi hiệu lực. Quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách cách không công bằng. Giám sát hiệu quả và thực thi hiệu quả chính là chìa khóa.
Thứ hai là Hạ tầng. Chìa khóa ở đây là giao dịch và thanh toán hiệu quả và an toàn. Thị trường cần nền tảng để thu thập và chia sẻ thông tin một cách đáng tin cậy kịp thời và đáng tin cậy, bao gồm thông tin về chứng khoán, doanh nghiệp, giá cả và giao dịch…. Điều đó khiến cho thị trường trở nên minh bạch hơn; và là điều kiện cần để thị trường hoạt động hiệu quả. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm là một phần quan trọng của hạ tầng thông tin. Đánh giá định mức tín nhiệm nên được thúc đẩy ở Việt Nam.
Thứ ba là Bên phát hành, chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, dù lớn dù nhỏ, là doanh nghiệp nhà nước hay dân doanh, là công ty đại chúng hay tư nhân, đều có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp, một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Họ đều là bộ phận của các thị trường vốn.
Thứ tư là Nhà đầu tư, họ chính là “máu” đưa ô-xy đến các bộ phận của thị trường. Bảo vệ nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán. Nhà đầu tư cần được giáo dục. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận rằng không phải tất cả các loại chứng khoán đều phù hợp với mọi nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Một số loại chứng khoán, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cần được duy trì trong thị trường chuyên nghiệp hoặc đòi hỏi trình độ cao hơn.
Thứ năm là các Tổ chức Trung gian, trung gian chứng khoán là một hoạt động đòi hỏi phải được cấp phép và giám sát chặt chẽ. Các tổ chức trung gian khác nhau có vai trò khác nhau, ví dụ môi giới chứng khoán không được nhận tiền gửi kỳ hạn, đại diện bán của ngân hàng không thể bán chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) cho khách hàng. Những người này phải được cấp phép hành nghề, họ phải tuân thủ chuẩn mực hành vi tốt và chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ sai phạm nào.
Thứ sáu là Công cụ. Hiểu được các công cụ khác nhau là chìa khóa để ban hành chính sách. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chào bán đại chúng và thị trường phát hành riêng lẻ có sự khác biệt. Trên thị trường chào bán đại chúng, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hài hòa quy trình phê duyệt phát hành và niêm yết trái phiếu, để thủ tục trở nên nhanh hơn. Nên khuyến khích các doanh nghiệp tốt tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đại chúng sẽ giúp họ tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư rộng hơn. Liên quan đến chính sách về thị trường phát hành riêng lẻ, nhu cầu đặt ra là cần thắt chặt các quy tắc về nhà đầu tư chuyên nghiệp, sao cho không hạn chế các doanh nghiệp tham gia.
“Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.
Đồng thời, thị trường vốn là phần lõi trong một hệ thống tổng hợp. Thị trường có tương tác với các bộ phận khác của hệ thống. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại là thành viên quan trọng trên thị trường vốn ở tất cả các khía cạnh. Nhiều ngân hàng đang phát hành chứng khoán, như vậy họ là bên phát hành, nhiều ngân hàng là nhà đầu tư (họ mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp) và nhiều ngân hàng là tổ chức trung gian (phát hành, lưu ký và cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp). Vì vậy, chính sách trong ngành ngân hàng cũng ảnh hưởng đến thị trường vốn và ngược lại. Tương tự, chính sách trên thị trường vốn đôi khi không thể hiệu quả nếu không được hài hòa với chính sách trong ngành ngân hàng...”, đại diện WB phân tích.