A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Môi trường tỷ giá ổn định, triển vọng dài hạn tích cực của chứng khoán Việt Nam sẽ giúp kích hoạt dòng tiền giải ngân từ các quỹ chủ động

Trong khi dòng tiền toàn cầu vào các tài sản tài chính rủi ro duy trì trạng thái thận trọng, chưa thấy sự bứt phá như kỳ vọng trong tháng 8 thì trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn ETF khá cân bằng, dòng vốn quỹ chủ động tích cực với diễn biến giải ngân đồng đều hơn.

Dòng tiền toàn cầu vào các tài sản tài chính rủi ro duy trì trạng thái thận trọng

Trong báo cáo cập nhật dòng vốn đầu tư toàn cầu vừa phát hành, CTCK SSI (SSI Research) cho biết, phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính trên toàn cầu phân hóa giữa nửa đầu và nửa cuối tháng 8. Trong nửa đầu tháng 8, dòng tiền vào các tài sản tài chính đã có sự cải thiện đáng kể từ mức rút ròng kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7.

Tuy nhiên, phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại hội nghị thường niên Jackson Holes đã đảo ngược trạng thái và tâm lý thị trường quay trở lại phòng thủ, dẫn tới giảm phân bổ vào các tài sản tài chính rủi ro. Kết tháng, dòng vốn vào cổ phiếu rút ròng khoảng 2,3 tỷ USD trong khi đó dòng vốn vào các quỹ trái phiếu vào ròng gần 19 tỷ USD sau 7 tháng rút ròng liên tục. Dòng vốn vào các quỹ trái phiếu cũng tập trung phân bổ ở tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ từ thị trường phát triển (vào ròng 11,1 tỷ USD).

Trạng thái tích cực duy trì trong 3 tuần đầu và đảo chiều mạnh trong tuần cuối tháng 8 khiến dòng vốn vào thị trường phát triển (DM) ghi nhận rút ròng 3,5 tỷ USD. Đóng góp chủ yếu đến từ khu vực Tây Âu khi rút ròng 15,5 tỷ USD trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, dòng tiền giải ngân vào thị trường Mỹ đã có sự cải thiện hơn so với tháng trước (vào ròng 11,8 tỷ USD – tăng 80% so với tháng 7, tập trung chủ yếu trong 3 tuần đầu tháng). Dòng tiền phân bổ vào các quỹ ETF ở Mỹ là tâm điểm dòng vốn, khi ghi nhận vào ròng tới 25,3 tỷ USD trong tháng 8.

Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) vào ròng nhẹ 1,3 tỷ USD, với sự cải thiện từ dòng tiền vào khu vực Đông Nam Á. Dòng tiền vào thị trường Trung Quốc hầu như đi ngang trong tháng 8 (vào ròng 4,1 tỷ USD – mức vào ròng thấp nhất kể từ tháng 10/2021), khi triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không mấy khả quan, kết hợp với việc một loạt các biện pháp giãn cách xã hội và rủi ro địa chính trị với Đài Loan. Trái ngược, dòng vốn vào khu vực Đông Nam Á đã có chuyển biến tích cực hơn trong tháng 8, tuy nhiên diễn biến này khó có thể kéo dài khi xu hướng mạnh lên của đồng USD thường không có lợi cho dòng vốn vào thị trường mới nổi.

Nhìn chung, dòng tiền vào các quỹ cổ phiểu DM và EM trong tháng 8 chưa thấy sự bứt phá như kỳ vọng. Các chuyên gia SSI Research điều chỉnh quan điểm thận trọng hơn về việc phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính rủi ro trong tháng 9, đặc biệt là tới các quỹ cổ phiếu trước thềm cuộc họp chính sách của FED vào cuối tháng 9. Trạng thái tâm lý của thị trường sẽ trở nên tích cực hơn và kích hoạt dòng vốn vào các quỹ cổ phiểu chỉ khi các tín hiệu về lạm phát có xu hướng giảm rõ nét và liên tục hơn, cũng như các thông điệp điều hành chính sách tiền tệ của FED mang tính chất nới lỏng hơn.

“Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng chưa quan sát thấy có sự biến chuyển lớn trong tâm lý thị trường. Tương tự, dòng vốn cổ phiếu vào thị trường mới nổi sẽ ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng của đồng USD và chúng tôi cho rằng sẽ không có sự bứt phá trong dòng vốn tới EM trong thời gian còn lại của năm”, chuyên gia SSI Research lưu ý

Dòng vốn ETF khá cân bằng, dòng vốn quỹ chủ động tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn ETF giao dịch khá cân bằng trong tháng 8 với tổng giá trị ròng chỉ đạt 37 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng giá trị dòng vốn ETF duy trì vào ròng 8.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xem xét xu hướng từng quỹ, dòng vốn ghi nhận sự phân hóa khá mạnh giữa các quỹ.

Cụ thể, trong tháng 8, mức rút ròng mạnh đến từ các nhóm quỹ ETF liên quan đến VFM, như VFM VNDiamond, rút vốn trong tháng thứ hai liên tiếp với giá trị lên đến 891 tỷ đồng (mức rút ròng tăng 70% so với tháng trước) hay VFM VN30 bị rút ròng 205 tỷ đồng. Điều này đã làm trung hòa xu hướng vào ròng từ nhóm quỹ ngoại như quỹ FTSE Vietnam ETF với giá trị vốn vào ròng đạt 652 tỷ đồng, quỹ Fubon (vào ròng 256 tỷ đồng) hay quỹ nội như SSIAM VNFIN Lead (vào ròng 140 tỷ đồng) hoặc một số quỹ có giá trị vào nhỏ hơn như KIM VN30 ETF, Premia Vietnam, Mirae Assets VN30.

 

Dòng tiền từ các quỹ chủ động tích cực hơn trong tháng 8 với diễn biến giải ngân đồng đều hơn. Trái với xu hướng phân hóa ở các quỹ ETF, các quỹ chủ động đã tích cực giải ngân vào thị trường Việt Nam trong tháng 8, với mức vào ròng khoảng 260 tỷ đồng. Tính chung trong 8 tháng, các quỹ chủ động rút ròng khoảng 840 tỷ đồng, tập trung vào tháng 2 và tháng 3. Số lượng các quỹ chủ động vào ròng đã có sự cải thiện, trong khi đó mức độ rút ròng ở một số quỹ cũng đã giảm dần theo tháng. Triển vọng dài hạn tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân.

Tháng 8, khối ngoại mua ròng với tổng giá trị là 980 tỷ đồng, tập trung ở các cổ phiếu trong ngành tài chính - ngân hàng.

“Trên thực tế, chúng tôi quan sát thấy có sự chuyển dịch trong giao dịch khối ngoại giữa các quốc gia trong khu vực châu Á. Cụ thể, khối ngoại tại khu vực ASEAN và Ấn Độ đã đảo chiều sang mua ròng trong 2 tháng trở lại đây”, SSI Research lưu ý.

Diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 không có quá nhiều khác biệt so với kỳ vọng và các chuyên gia của SSI Research duy trì góc nhìn trung lập đối với xu hướng dòng tiền trong ngắn hạn, khi khó có thể loại trừ áp lực lên dòng vốn trong bối cảnh những rủi ro từ bên ngoài vẫn được duy trì, đặc biệt là xu hướng mạnh lên của đồng USD.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái cho thấy cam kết duy trì môi trường tỷ giá ổn định, đồng thời triển vọng tích cực về dài hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm việc hưởng lợi từ việc chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc) sẽ giúp kích hoạt dòng tiền giải ngân từ các quỹ chủ động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan