A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của Singapore

Mô hình phát triển Fintech Hub tại Singapore đã thể hiện được sự quan tâm của Chính phủ Singapore và vai trò của các cơ quan quản lý có liên quan trong việc tạo điều kiện cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhanh chóng được thử nghiệm và đưa vào cuộc sống.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) đã đem đến những thay đổi lớn trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn… đã giúp cải thiện mạnh mẽ năng suất, hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề đặc biệt đối với các ngành bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ như tài chính, ngân hàng.

Thực tế phát triển thời gian gần đây cho thấy, kỷ nguyên công nghệ đã đem đến nhiều cơ hội và cũng đặt ra thách thức cho các tổ chức tài chính truyền thống, nhất là các ngân hàng. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, các ngân hàng trên thế giới cũng rất chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trong mô hình hoạt động và trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng,… thường được biết đến dưới thuật ngữ “công nghệ tài chính” – Fintech. Fintech cũng chính là sự lựa chọn nhanh nhậy của các ngân hàng để có thể vượt các thách thức do số hóa đặt ra và nắm bắt các cơ hội quan trọng mà nó mang lại.

Nhận thức được điều đó, để tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính có thể tăng tốc trên cơ sở công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các quốc gia trên thế giới thường cho phép thành lập và phát triển một cơ sở để hỗ trợ, rút ngắn tối đa khoảng cách giữa ý tưởng, phát minh sáng chế phát triển sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và quá trình thương mại hóa, đưa sản phẩm ra thị trường dưới tên gọi là trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính – Fintech Innovation Hub, Fintech Hub, or Fintech Lab. Trung tâm này sẽ là nơi kết nối các nhà phát triển (ngân hàng, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp khởi nghiệp,…) các ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực tài chính với các cơ quan quản lý (Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Trung ương, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia) và với thị trường (ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức tài chính,…), việc kết nối này sẽ giúp giải quyết được các thách thức mà ngân hàng và khách hàng của mình phải đối mặt.

Hiện tại, trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều Fintech Hub hoạt động thành công, có thể kể đến Accelerator Frankfurt của Đức, Barclays Accelerator của Anh, Capital One Labs  của Mỹ, Cyberport của Hồng Kông, PayPal Innovation Lab của Singapore,… Theo kinh nghiệm phát triển trên thế giới, các Fintech Hub có ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng giai đoạn hiện nay, giúp cho các ngân hàng, doanh nghiệp khởi nghiệp và Chính phủ đưa ra được các giải pháp mới, phù hợp tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính truyền thống phát triển hiệu quả trên nền tảng công nghệ hoặc phát hiện thêm các cơ hội chưa được khai thác. Tuy nhiên, để các Fintech hub có thể phát triển và phát huy được vai trò của mình,  Chính phủ các nước đã rất quan tâm, tạo điều kiện và xác định rõ các mô hình, định hướng phát triển cũng như tạo điều kiện về nguồn lực (con người, vốn), trong đó thực tế phát triển của Singapore là một kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ tài chính trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Tại Singapore, để thúc đẩy sự phát triển Fintech, định hướng thành lập Fintech Hub đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ Singapore và Ủy ban Quản lý tiền tệ của Singapore (MAS), trong đó MAS đóng vai trò đặc biệt quan trọng do là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hệ thống các tổ chức tài chính tại Singapore (NHTW Singapore).

Ngày 28/6/2015, MAS đã đưa ra kế hoạch đổi mới và công nghệ hóa khu vực tài chính (FSTI). Theo kế hoạch này, MAS cam kết dành 225 triệu SGD trong vòng 5 năm để hỗ trợ các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Kế hoạch FSTI bao gồm 3 cấu phần chính, bao gồm: (i) Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo (MAS tập trung vào việc khuyến khích các tổ chức tài chính tự xây dựng các trung tâm nghiên cứu và các Lab đổi mới sáng tạo tại Singapore); (ii) (MAS sử dụng quỹ của FSTI nhằm tài trợ cho việc phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm tăng cường năng lực hiệu quả, tốc độ phát triển và năng lực cạnh tranh của các tổ chức); (iii) Hỗ trợ cho các dự án ở cấp độ ngành, nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm phát triển cơ sở hạ tầng tài chính.

Để triển khai các nhiệm vụ trên, trong năm 2015, MAS đã sáng lập ra FIG (Fintech & Innovation Group) trực thuộc MAS để chịu trách nhiệm nghiên cứu, ban hành các chính sách liên quan sự phát triển Fintech, trong đó có các chính sách liên quan đến việc phát triển Fintech Innovation Hub tại Singapore với một số điểm đáng chú ý sau:

Trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech Lab

Ngày 24/8/2016, MAS thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech (đặt tại trụ sở của MAS) có tên gọi là Fintech Innovation Lab Looking Glass.

Đối tượng tham gia Fintech Lab này bao gồm: NHTW Singapore với vai trò là cơ quan quản lý, đồng thời trực tiếp tham gia thử nghiệm các công nghệ phục vụ cho hoạt động NHTW Singapore; các tổ chức tài chính đã được cấp phép hoạt động tại Singapore; các công ty Fintech, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech; các công ty công nghệ.

Việc thành lập Fintech Lab này nhằm mục đích: Tăng cường sự tương tác giữa MAS với các tổ chức tài chính, các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ; là nơi giải đáp tất cả các vấn đề thắc mắc về mặt chính sách, luật pháp trong hoạt động Fintech; Cung cấp một không gian địa lý cho phép MAS, các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động trên lãnh thổ Singapore, các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ được thực hiện hoặc phối hợp thực hiện thí nghiệm các giải pháp liên quan đến lĩnh vực công nghệ tài chính; Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech với các chuyên gia tư vấn về luật pháp, các vấn đề kinh doanh nhằm giải đáp các vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khởi nghiệp của các công ty này; Cung cấp các khóa đào tạo liên quan đến Fintech và thực hiện hoạt động kết nối mạng lưới trong cộng đồng Fintech.

Trung tâm đổi mới sáng tạo 80RR

MAS thành lập không gian làm việc chung cho Fintech Hub có tên gọi 80RR. 80RR là 1 Fintech Hub đặt địa điểm tại tòa nhà 80 Robinson Road tại quận trung tâm tài chính của Singapore. Đây được coi là một không gian vật lý chung cho hơn 80 các tổ chức Fintech trong và ngoài nước của Singapore cùng hợp tác làm việc để thúc đẩy hợp tác và kết nối trong lĩnh vực Fintech. Các hoạt động chính của 80RR là: cung cấp một không gian làm việc chung cho các công ty Fintech với mức giá thuê ưu đãi; tổ chức sự kiện, trình chiếu các giải pháp công nghệ với sức chứa tối đa 350 người; kết nối các công ty Fintech với đội ngũ các chuyên gia tư vấn về luật pháp, tài chính, công nghệ; tạo lập mạng lưới kết nối trong cộng đồng Fintech, giữa các công ty Fintech với các tổ chức tài chính, các công ty công nghệ; kết nối với các Fintech Hub khác trong khu vực như tại Indonesia, Phillippines, Malaysia và Thái Lan.

Để tạo ra một hệ sinh thái sôi động nhằm khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Singapore, MAS khuyến khích các tổ chức tài chính tự thành lập các phòng thí nghiệm đổi mới (Innovation Lab) để nuôi dưỡng văn hóa đổi mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Singapore.

Với chính sách khuyến khích từ phía MAS, hiện tại đã có hơn 50 phòng thí nghiệm đổi mới do các tổ chức tài chính thành lập, nằm tập trung tại khu vực quận tài chính của Singapore. Các Lab này có thể do các tổ chức tài chính lớn của Singapore lập nên như Ngân hàng DBS, Ngân hàng OCBC, Ngân hàng UOB… cũng có thể do các tập đoàn tài chính lớn trên toàn cầu thành lập như Accenture, ANZ, Bank of China, KPMG, Citi, Delloite, Deusche Bank… Mục đích hoạt động chính của các Lab này là khuyến khích việc phát triển các ý tưởng sáng tạo nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức và thúc đẩy sự phát triển Fintech mạnh mẽ tại Singapore.

Trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân LATTICE 80

Bên cạnh sự ra đời của hàng loạt các phòng thí nghiệm đổi mới do các tổ chức tài chính thành lập, đáng chú ý là ngày 10/11/2016, một quỹ đầu tư tư nhân lớn của Singapore là Marvelstone Group đã thành lập một Hub đổi mới sáng tạo cho lĩnh vực Fintech có tên gọi là LATTICE 80. Mặc dù do một tổ chức tư nhân sáng lập ra nhưng đây là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu thúc đẩy tinh thần kinh doanh và hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính; hỗ trợ cho các công ty Fintech thành lập tại Singapore và các tổ chức tài chính nhanh chóng thích ứng với các hoạt động đổi mới sáng tạo; trợ giúp các công ty Fintech của Singapore phát triển và mở rộng ra toàn cầu.

LATTICE 80 là một cộng đồng thu hút sự tham gia của nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, các công ty công nghệ, các quỹ đầu tư, các chuyên gia trong lĩnh vực Fintech. Điểm đặc biệt của LATTICE 80 không chỉ là nơi kết nối cộng đồng Fintech trong phạm vi lãnh thổ Singapore mà còn có xu hướng kết nối toàn cầu. Minh chứng cụ thể là sau khi mở trụ sở Fintech Hub đầu tiên tại Singapore, LATTICE 80 tiếp tục mở thêm các Fintech Hub tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới như London, Hồng Kông, Ấn Độ. Số lượng các thành viên tham gia vào LATTICE 80 cũng đã gia tăng nhanh chóng, nếu như vào thời điểm mới thành lập, LATTICE 80 mới chỉ thu hút được khoảng 100 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Singapore thì đến thời điểm hiện tại, LATTICE 80 đã thu hút hơn 11.000 các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech trên toàn thế giới.

Các hoạt động chính của LATTICE 80 là: cung cấp môi trường làm việc cho các công ty Fintech khởi nghiệp; giảm chi phí cho hoạt động khởi nghiệp của các công ty Fintech; cung cấp nguồn dữ liệu và cơ sở hạ tầng tài chính thuận lợi cho hoạt động phát triển ý tưởng sáng tạo và phát triển sản phẩm của các công ty Fintech; khuyến khích sự hợp tác và đồng sáng tạo giữa các công ty Fintech; kết nối các công ty Fintech với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm… Như vậy, về bản chất LATTICE 80 hoạt động giống như một Fintech Hub ở quy mô toàn cầu của Singapore.

Như vậy, từ mô hình phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của Singapore, có thể rút ra một số kinh nghiệm đáng chú ý như sau:

- Việc xây dựng và phát triển các Fintech Hub tại Singapore đã được triển khai rất bài bản, có tầm nhìn với lộ trình thực hiện cụ thể. MAS đã xây dựng kế hoạch đổi mới và công nghệ hóa khu vực tài chính (FSTI), trong đó đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm hướng tới thúc đẩy phát triển các Fintech Hub ở tầm quốc gia và ở các tổ chức tài chính, ngân hàng; hướng tới hỗ trợ việc thực hiện các giải pháp đổi mới sáng tạo để nâng cao tính hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các tổ chức và thúc đẩy ứng dụng công nghệ để cải thiện hạ tầng cơ sở tài chính. Đồng thời, kế hoạch này cũng dự kiến được triển khai trong vòng 5 năm để hỗ trợ và thúc đẩy các sáng kiến trong lĩnh vực này phát triển.

- Mô hình phát triển Fintech Hub tại Singapore đã thể hiện được sự quan tâm của Chính phủ và vai trò của các cơ quan quản lý có liên quan trong việc tạo điều kiện cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhanh chóng được thử nghiệm và đưa vào cuộc sống. Cụ thể đó là Chính phủ Singapore đã giao cho Ngân hàng Trung ương – MAS chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Fintech nói chung và xây dựng kế hoạch phát triển Fintech hub. Trên cơ sở đó, MAS đã sáng lập ra FIG (Fintech & Innovation Group) trực thuộc MAS để chịu trách nhiệm cho việc nghiên cứu, ban hành các chính sách liên quan sự phát triển Fintech, trong đó có các chính sách liên quan đến việc phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành ngân hàng. MAS đã tham gia thành lập 2 Fintech Hub trực thuộc đó là Fintech Innovation Lab Looking Glass do MAS và 80 RR do MAS phối hợp với Hong Leong Holdings Ltd và Hiệp hội Fintech Singapore.

- Mô hình phát triển Fintech Hub đa dạng, phong phú có tính kết nối cao (kết nối giữa Chính phủ, cơ quan quản lý với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư,…). Theo đó, mỗi một loại hình phát triển sẽ có mục tiêu và hoạt động cụ thể, giúp cho các đối tượng tham gia có thể chủ động lựa chọn loại hình phù hợp, theo đuổi được các mục tiêu đặt ra và quan trọng hơn cả là mô hình phát triển như vậy có thể gia tăng tính kết nối các ý tưởng sáng tạo trên phạm vi quốc tế, huy động được nguồn lực lớn về vốn và nhân lực trên toàn cầu.

Các loại hình trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech của Singapore rất đa dạng, từ Hub của MAS (Fintech Innovation Lab Looking Glass), Hub do MAS phối hợp với các hiệp hội (80RR), Hub do quỹ đầu tư tư nhân lớn của Singapore thành lập (LATTICE 80) đến các Lab do các tổ chức tài chính tự xây dựng. Mỗi loại hình trung tâm đổi mới sáng tạo bên cạnh một số mục tiêu hoạt động chung lại có nhiều đặc trưng riêng. Trong đó, Hub do cơ quan quản lý MAS thành lập chủ yếu phục vụ mục đích tư vấn chính sách, giải đáp thắc mắc, kết nối các công ty khởi nghiệp Fintech với các chuyên gia tư vấn về luật pháp. Hub do MAS phối hợp với Hiệp hội Fintech Singapore và Hong Leong Holding cung cấp không gian làm việc chung cho các công ty Fintech, là địa điểm tổ chức sự kiện, trình chiếu giải pháp công nghệ hay giúp kết nối với các Fintech Hub tại các quốc gia khác. Các Lab do các tổ chức tư nhân thành lập đa phần nhằm mục tiêu nuôi dưỡng văn hóa đổi mới trong lĩnh vực Fintech, khuyến khích phát triển các ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đáng chú ý hơn cả là sự phát triển của Fintech Hub có quy mô quốc tế - LATTICE 80 không những cung cấp môi trường làm việc mà còn giúp kết nối các công ty Fintech Singapore ra phạm vi toàn cầu.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10/2021


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan