A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Logistics Cần Thơ: Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá

Hàng loạt Nghị quyết, cơ chế đặc thù được thông qua kì vọng là động lực giúp TP. Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế của khu vực ĐBSCL.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ kì vọng về sự phát triển logistics của Cần Thơ nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung khi đánh giá về thực tế phát triển và tiềm năng logistics trong tương lai tại khu vực này.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tham gia Diễn đàn

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL"

Hướng tới trung tâm Logistics trọng điểm vùng

- Xin ông cho biết thực trạng về hạ tầng logistics của Thành phố Cần Thơ?

Hiện nay, hoạt động logistics tại TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL nói chung mới trong giai đoạn đầu phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, hiện đại. Một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Một số tuyến cao tốc và các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị quan trọng chưa được đầu tư xây dựng. Phần lớn các cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng. Cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics không được đầu tư đồng bộ. Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khai thác tàu trọng tải lớn. Cần Thơ còn thiếu trung tâm logistics cảng biển, hàng không cấp vùng; ùn tắc giao thông chưa được khắc phục tại một số trục đường chính và các nút giao thông trọng điểm.

- Thành phố Cần Thơ có kế hoạch, đề án gì để xây dựng thành trung tâm logistics vùng?

Để thực hiện vai trò là Trung tâm logistics của vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đây là cơ sở để thành phố phát huy vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Do đó, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch hành động cụ thể như: đầu tư xây dựng 3 trục đường bộ cao tốc qua địa bàn thành phố, bảo trì nạo vét luồng lạch thường xuyên; đưa vào khai thác cảng thủy nội địa tổng hợp nhằm thu hút hành khách và gom hàng tập trung từ các tỉnh trong vùng đi thành phố Hồ Chí Minh và cả nước...

Cảng Cần Thơ được xây dựng thành cảng tổng hợp quốc gia của khu vực. Cảng hàng không Cần Thơ được nâng cấp, mở rộng các công trình chức năng để nâng công suất vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Về lĩnh vực Logistics, thành phố đang kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hạng II vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ với quy mô 242,2ha. Khu chức năng sẽ kết nối với hàng không, cảng Cái Cui, Tân Cảng Thốt Nốt và trung tâm đặt tại quận/huyện, nhằm khai thác hiệu quả các khu vực chức năng, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển.

Đặc biệt, thành phố đang hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ có quy mô 3.300 ha. Sự ra đời của trung tâm này được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp.

“Cú hích” cho Cần Thơ phát triển xứng tầm

- Được biết Cần Thơ đang thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Trong đó, nạo vét luồng Định An và việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha là hai chính sách mới lần đầu thí điểm, không chỉ cho Cần Thơ mà còn mang tính toàn vùng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này, đặc biệt là vai trò, ý nghĩa của dự án nạo vét luồng Định An?

Nghị quyết số 45/ ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ đã nêu rõ: TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời, Thành phố đã thành lập Tổ công tác đối với chính sách về Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần, khi hoàn chỉnh giai đoạn 2, dự kiến có thể đáp ứng cho các tàu có trọng tải đến 20.000 tấn lưu thông. Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu không chỉ có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Cần Thơ mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát trển kinh tế của tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng.

Hàng năm, vùng ĐBSCL với sản lượng từ nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy hải sản rất lớn trong khi đó các tàu lớn không vào được các cảng để lấy hàng nên hầu như các sản phẩm này (khoảng 70% sản lượng xuất khẩu) phải vận chuyển qua cảng TPHCM và Cát Lái dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh với các địa phương khác.

Việc nạo vét luồng hàng hải Định An – Sông Hậu sẽ góp phần xây dựng đồng bộ các công trình hàng hải phục vụ nhu cầu phát triển ngành cảng biển của địa phương, phát huy hiệu quả các dự án đã được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Cảng Cần Thơ

Cảng Cần Thơ được xây dựng thành cảng tổng hợp quốc gia của khu vực

- Cần Thơ có những chính sách, ưu đãi gì thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng logistics để phát triển nông nghiệp?

Thành phố Cần Thơ sẽ tận dụng triệt để những cơ chế, chính sách đặc thù đã được phê duyệt. Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”; thu hút đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm nông thủy sản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Song song đó, trung tâm liên kết sẽ phát triển công nghệ chế biến, bảo quản của các nhà máy để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cao cấp gắn với vùng chuyên canh và các trung tâm dịch vụ hậu cần để kết nối ra thị trường (bao bì, nhãn mác, đóng gói, vận chuyển, thanh toán, tài chính…); phát triển chuỗi lạnh, đầu tư hệ thống vận chuyển, hậu cần nhanh chóng và thuận tiện; xây dựng các trung tâm một cửa kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng được công nhận tương đương với các nước nhập khẩu.

Đồng thời, hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Cần Thơ, bao gồm hệ thống kho lạnh, kho ngoại quan, ICD, hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu qua đường hàng không và đường biển. Đó sẽ là tiền đề cho nông nghiệp không chỉ Cần Thơ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

- Để giải quyết những điểm nghẽn, hoàn thiện chuỗi logistics cho nông sản, theo ông cần có sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh ĐBSCL như thế nào?

Sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh ĐBSCL là điều tất yếu và đã được cụ thể tạiQuyết định 287 ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương trong vùng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng thể chế điều phối vùng, liên kết và chủ động tham vấn giữa các tỉnh, thành phố trong hoạch định cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết vùng, quy hoạch vùng chung có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ tận dụng được tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc cạnh tranh thị trường. Tính liên kết, hợp tác vùng sẽ tạo ra giá trị chung, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, dần mở rộng không gian vượt ra địa giới vùng.

Xin cảm ơn ông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan