A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lĩnh vực nào chủ lực trong đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài?

Không chỉ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Nhiều năm nay, đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam gắn liền với tên tuổi của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Honda, Canon… Ở chiều ngược lại, mới đây, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) đã nhắc đến sự thành công của tập đoàn FPT tại đất nước mặt trời mọc như một điển hình trong đầu tư FDI của Việt Nam ra nước ngoài. Đáng nói, sau hơn 20 năm FPT đầu tư và mở chi nhánh đầu tiên ở Nhật Bản, đến nay, danh sách doanh nghiệp Việt đầu tư sang thị trường này tiếp tục được nối dài với những cái tên lớn trong ngành công nghệ phần mềm và dịch vụ khác như Lotus, Luvina, VietIS, Tinhvan, HBLab, Relipa, AHT, Techvify, Bunbu…

Đầu tư FDI của Việt Nam sang Nhật Bản dự báo sôi động hơn trong thời gian tới. Ông Takeo Naka thông tin: nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin tại Nhật Bản đang thiếu. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được đánh giá là mạnh và đáng tin cậy và các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn cùng hợp tác, thực hiện các tác vụ liên quan đến chuyển đổi số phức tạp. Sự phối hợp với các doanh nghiệp lớn toàn cầu ở Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm thấy những cơ hội, đối tác phù hợp để bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu của ngành công nghiệp công nghệ số đạt hơn 20 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu chiếm đến hơn 90%. Doanh thu của ngành dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Ngoài Nhật Bản, hiện nhiều thị trường lớn trên thế giới đang có nhiều cơ hội chờ đón sự hợp tác của doanh nghiệp Việt.

Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đang thiếu hụt nhân lực công nghệ. Theo Cơ quan xúc tiến công nghiệp ICT Hàn Quốc tại Hà Nội, nhân sự hiện có mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Hàn Quốc cần nhân sự lớn trong các ngành như nghiên cứu và phát triển phần mềm, điện toán đám mây, AI... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam phát triển phần mềm, duy tu và vận hành các hệ thống IT, thúc đẩy khởi nghiệp ICT, các dịch vụ công nghệ thông tin…

Tại châu Âu, theo ông Pavel Poskakukhin - đại diện EuroCham, sự khó khăn trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp chính là cơ hội của các nhà cung cấp giải pháp tại Việt Nam thông qua việc liên doanh, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp bản địa hoặc mở văn phòng đại diện.

Thị trường lớn 500 triệu dân ở châu Âu cũng có nhu cầu lớn về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến mạng 5G để cung cấp các giải pháp theo thời gian thực cho người dân, phát triển phần mềm đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghệ AI, dữ liệu lớn, Blockchain… Các doanh nghiệp Việt có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ công nghệ điện toán đám mây, các thiết bị IoT, các giải pháp công nghệ xanh giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.

So với những năm trước đây, nhu cầu của các thị trường lớn thay đổi và ngày càng mở rộng, giá trị hợp tác của doanh nghiệp Việt vì thế càng tăng. Thay vì chủ yếu gia công phần mềm, nhiều doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ lõi, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng trong đầu tư hợp tác của thị trường nước ngoài và đóng góp lớn vào doanh thu 148 tỷ của ngành trong năm 2022. 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan