A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạm phát toàn cầu tăng nhẹ, thị trường tài chính thắt chặt hơn

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng nhẹ với những rủi ro bắt nguồn từ căng thẳng thương mại và giá dịch vụ; trong khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn so với cuối năm 2024 do biến động của thị trường tài chính và gia tăng bất ổn về chính sách thương mại.

tai-chinh-16.jpg

Lạm phát toàn cầu tăng nhẹ, thị trường tài chính thắt chặt hơn. (Ảnh minh họa)

Lạm phát toàn cầu tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm

Cục Thống kê cho biết, lạm phát toàn cầu được dự báo có xu hướng tăng nhẹ với những rủi ro bắt nguồn từ căng thẳng thương mại và giá dịch vụ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2025 dự báo đạt 4,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2025, sau đó sẽ giảm xuống còn 3,6% vào năm 2026. Liên hợp quốc (UN) nhận định lạm phát toàn cầu đã giảm từ 4,0% năm 2024 xuống 3,6% năm 2025 nhưng điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2025 trong bối cảnh thuế quan tăng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, có khả năng đẩy giá tiêu dùng lên cao, gây lạm phát trở lại.

WB nhận định lạm phát toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương và mức trung bình trước đại dịch. Lạm phát toàn cầu dự báo đạt 2,9% vào năm 2025, vẫn cao hơn một chút so với mục tiêu lạm phát trung bình.

Các xu hướng gần đây cho thấy giá hàng hóa nói chung đang giảm, chủ yếu do nhu cầu toàn cầu yếu hơn, nhưng các mặt hàng cụ thể phải đối mặt với áp lực cung cầu riêng biệt và các tác động địa chính trị dẫn đến triển vọng khác nhau. Theo WB, giá cả hàng hóa nói chung dự kiến sẽ giảm 10% trong năm 2025, chủ yếu là do giá dầu giảm, sản xuất một số mặt hàng năng lượng và kim loại tăng và nới lỏng hạn chế cung ứng đối với các mặt hàng nông sản.

Về giá dầu, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu thô Brent trung bình là 66,0 USD một thùng trong năm 2025. IMF ước tính giá dầu trung bình là 66,94 USD một thùng trong năm 2025, giá dầu sẽ giảm tổng thể 15,5% trong năm 2025. Giá dầu đã giảm mạnh vào đầu tháng 4/2025 do lo ngại về căng thẳng thương mại tác động đến nhu cầu và nhóm OPEC+ tăng sản lượng dầu. Nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 104,2 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2025, dự kiến vượt xa nhu cầu do ảnh hưởng của tăng trưởng toàn cầu chậm lại và việc sử dụng xe điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro tăng giá dầu do thắt chặt lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất lớn như Iran, Nga, Venezuela, căng thẳng địa chính trị và khả năng chậm trễ trong việc tăng sản lượng của OPEC+.

Về giá khí đốt tự nhiên, năm 2025, giá khí đốt tự nhiên bình quân năm dự báo tăng chủ yếu do giá khí đốt tự nhiên tại Hoa Kỳ tăng. IMF dự báo giá khí đốt tự nhiên tăng 22,8% trong năm 2025 do thời tiết lạnh hơn dự kiến và việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu bắt đầu từ tháng 1/2025.

Về giá kim loại, hầu hết các kim loại cơ bản (không bao gồm kim loại quý) dự báo giảm giá do những bất lợi liên quan đến thương mại ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu. Vào đầu năm 2025, giá đồng và nhôm tăng do các công ty có các giao dịch mua trước khi thuế quan tăng. Tuy nhiên, tại thời điểm giữa năm 2025 cho đến cuối năm 2026, thị trường tương lai dự báo giá nhôm sẽ giảm 5,7%, đồng giảm 4,5% và quặng sắt giảm 14,3%. Thị trường vẫn tiềm ẩn biến động tăng đối với các mặt hàng chính như lithium, quặng sắt và đồng. Trái ngược với kim loại cơ bản, kim loại quý, đặc biệt là vàng, dự kiến tăng hơn 30% trong năm 2025. Giá vàng bình quân năm dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục do đây là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và biến động tài chính gia tăng.

Về giá nông sản nhìn chung được dự báo sẽ ít thay đổi trong năm 2025. Chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) đạt trung bình 127,7 điểm trong tháng 5/2025, giảm nhẹ so với tháng 4/2025 nhưng vẫn cao hơn 6,0% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá các sản phẩm từ sữa và thịt tăng, nhưng lại được bù đắp bởi giá ngũ cốc, đường và dầu thực vật giảm.

Điều kiện thị trường tài chính thắt chặt hơn so với năm 2024

Từ dự báo của các tổ chức quốc tế, Cục Thống kê nhận định, điều kiện tài chính toàn cầu năm 2025 nhìn chung thắt chặt hơn so với cuối năm 2024 do biến động của thị trường tài chính và gia tăng bất ổn về chính sách thương mại. Sự biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu xảy ra vào đầu tháng 4/2025 khi căng thẳng thương mại leo thang. Tuy nhiên, giá tài sản đã phục hồi sau thời gian tạm dừng áp thuế trong 90 ngày ban đầu của Hoa Kỳ và dỡ bỏ một phần thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào tháng 5/2025, nhờ đó thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi trở lại.

Ngân hàng dự trữ Liên bang Hoa Kỳ giữ nguyên lãi suất chính sách đầu năm 2025, áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát trong bối cảnh không chắc chắn về tác động của các chính sách thương mại và kinh tế đối với tăng trưởng và lạm phát. Dự báo lãi suất của Hoa Kỳ khoảng 4% vào cuối năm 2025. Ngược lại, các ngân hàng trung ương ở châu Âu tiếp tục cắt giảm chi phí vay khi áp lực lạm phát giảm và triển vọng tăng trưởng xấu đi. Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất ba lần trong khoảng thời gian từ tháng 1/2025 đến tháng 4/2025. Hầu hết các nền kinh tế OECD khác được cho là sẽ tiếp tục hạ lãi suất để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của suy thoái.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã trải qua tình trạng thoái vốn và suy giảm diện rộng trên thị trường chứng khoán vào đầu tháng 4/2025, nhưng tình hình đã đảo ngược sau khi thuế quan tạm dừng. Các điều kiện tài chính ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhìn chung đã thắt chặt kể từ đầu năm 2025 khi khả năng ứng phó với các cú sốc tiêu cực của nhiều nền kinh tế đã giảm do nợ tăng mạnh.

Tăng trưởng việc làm toàn cầu dự báo chậm lại

Cùng với đó, tình hình việc làm toàn cầu năm 2025 mong manh và không chắc chắn, chủ yếu do căng thẳng địa chính trị dai dẳng, gián đoạn thương mại và bất ổn chính sách gia tăng. Tăng trưởng việc làm toàn cầu nhìn chung sẽ chậm hơn so với dự báo trước đây.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dự báo tăng trưởng việc làm toàn cầu năm 2025 được điều chỉnh giảm xuống còn 1,5% so với dự báo trước đó là 1,7%. Điều này tương ứng với mức tăng khoảng 53 triệu lao động trên toàn cầu, giảm so với dự báo trước đó là 60 triệu lao động mới. Căng thẳng thương mại và bất ổn chính sách là yếu tố chính ảnh hưởng đến triển vọng việc làm. Thuế quan leo thang và các biện pháp thương mại không thể đoán trước đã tạo ra rủi ro gián đoạn đáng kể cho lao động có công việc liên quan đến nhu cầu cuối cùng từ Hoa Kỳ. Ước tính có 84 triệu người lao động trên 71 quốc gia, chủ yếu ở châu Á và Thái Bình Dương, đang đối diện với những nguy cơ bị ảnh hưởng do thực hiện những công việc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhu cầu cuối cùng từ Hoa Kỳ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết