A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người trẻ đua nhau mua nhà: Giấc mơ an cư hay gánh nợ khủng?

Dù thu nhập chưa cao, nhiều người trẻ tại Hà Nội vẫn nỗ lực sở hữu nhà riêng từ rất sớm, coi đó là dấu mốc trưởng thành và khẳng định bản thân. Tuy nhiên, đằng sau “giấc mơ an cư” là những khoản vay hàng tỷ đồng, là áp lực tài chính đè nặng suốt hàng chục năm, khiến không ít bạn trẻ chới với giữa lý tưởng sống và thực tế thu nhập còn khiêm tốn.

Nhà không chỉ là nơi ở, mà là "lý tưởng sống" của người trẻ

Ba năm sau khi đi làm, bạn Nguyễn Thị Linh (27 tuổi) - nhân viên truyền thông tại một công ty ở Cầu Giấy, Hà Nội vừa đặt cọc căn hộ 1 phòng ngủ tại một dự án trung cấp ở Gia Lâm, trị giá 1,45 tỷ đồng. Cô vay ngân hàng 70%, tương đương hơn 1 tỷ đồng, còn lại là tiền tiết kiệm cộng thêm sự hỗ trợ từ bố mẹ.

Không giống thế hệ trước từng chấp nhận “ở thuê vài chục năm”, nhiều người trẻ hiện nay xác định việc sở hữu nhà là một phần quan trọng trong hành trình trưởng thành. Với Linh, ngôi nhà không chỉ là chỗ ở mà còn là không gian sống mang dấu ấn cá nhân. Ngôi nhà chính là nơi Linh có thể làm việc online, quay video chia sẻ lối sống tối giản, trồng cây, nuôi mèo và tận hưởng cảm giác độc lập thực sự.

“Tôi không mua nhà để khoe, mà để sống đúng với giá trị mình theo đuổi. Ở tuổi này, có một tổ ấm riêng là động lực để mình cố gắng hơn mỗi ngày", Linh nói.

Người trẻ đua nhau mua nhà: Giấc mơ an cư hay gánh nợ khủng?

Nhiều khu đô thị mới mọc lên tại Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng cao, đặc biệt từ nhóm khách hàng trẻ dưới 35 tuổi

Xu hướng người trẻ từ 25-35 tuổi tìm mua nhà đang gia tăng rõ rệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tính riêng quý I/2025, lượt tìm kiếm nhà ở của nhóm khách hàng dưới 35 tuổi chiếm hơn 45% tổng lượt tìm kiếm, tăng hơn 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ 3 năm trước.

Không chỉ mua để ở, nhiều người trẻ còn xem việc sở hữu nhà là sự đầu tư cho tương lai. Bởi trong bối cảnh lạm phát, nhà đất được xem là kênh giữ giá an toàn hơn gửi tiết kiệm hay chứng khoán vốn đầy biến động.

Thay vì mua nhà mặt đất với giá vài tỷ đồng, người trẻ hiện nay thường hướng tới căn hộ chung cư vừa túi tiền (1,2 - 1,8 tỷ đồng), ở các khu vực như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hà Đông… Cùng với các chính sách hỗ trợ vay từ chủ đầu tư và ngân hàng, giấc mơ an cư tưởng như xa vời giờ đã dễ tiếp cận hơn.

Người trẻ hiện đại không chỉ tìm một chỗ ở mà còn đòi hỏi nhiều hơn: Không gian thiết kế đẹp, có ban công, ánh sáng tốt, gần tuyến metro hoặc dễ đi làm, tiện ích đầy đủ như siêu thị, bể bơi, gym. “Ở nhà thuê, em không được sửa gì. Mua nhà, em có thể tự thiết kế, chọn sơn tường, bố trí đồ nội thất theo phong cách riêng", Minh Tuấn (29 tuổi), một kỹ sư công nghệ ở Hoàng Mai, chia sẻ khi đang cải tạo căn hộ mới nhận bàn giao.

Cần tỉnh táo đánh giá khả năng tài chính

Ở tuổi 30, Nguyễn Minh Tuấn, kỹ sư IT đang làm việc cho một công ty phần mềm nước ngoài tại Hà Nội, vừa hoàn tất hồ sơ vay 1,2 tỷ đồng để mua căn hộ 2 phòng ngủ tại Yên Nghĩa, Hà Đông. “Lương tháng gần 25 triệu, trừ ăn uống, sinh hoạt thì vẫn ráng xoay được 11-13 triệu trả gốc và lãi hàng tháng nhưng đúng là… thở không ra hơi”, Tuấn cười gượng.

Người trẻ đua nhau mua nhà: Giấc mơ an cư hay gánh nợ khủng?

Không ít bạn trẻ sẵn sàng vay nợ lớn để sở hữu một không gian sống cá nhân hóa

Tuấn cho biết thêm: “Tháng nào bị trừ lương hay có việc gấp là mình phải xoay vòng vay mượn khắp nơi để trả tiền nhà. Mọi khoản chi tiêu đều phải cực kỳ khắt khe. Nhiều lúc mệt mỏi, muốn nghỉ việc cũng không dám, vì sợ không có tiền trả nợ ngân hàng”.

Không riêng gì Tuấn, hàng ngàn người trẻ tại các thành phố lớn đang bước vào “cuộc chơi” bất động sản với kỳ vọng sớm an cư nhưng nghịch lý nằm ở chỗ: thu nhập trung bình của nhóm lao động trẻ vẫn ở mức thấp, trong khi giá nhà không ngừng tăng.

Một khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động trẻ (25 - 35 tuổi) dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, để mua một căn hộ trên 1,5 tỷ đồng, họ buộc phải vay ngân hàng từ 60 - 80%, đồng nghĩa với việc gánh nợ 15 - 25 năm, mỗi tháng trả đều đặn cả chục triệu đồng. Trong khi đó, quỹ lương vẫn bấp bênh theo biến động thị trường việc làm.

Dưới áp lực sở hữu nhà sớm, một bộ phận không nhỏ người trẻ chấp nhận vay "vượt ngưỡng an toàn tài chính". Thay vì chỉ vay tối đa 30 - 40% thu nhập (theo khuyến nghị tài chính cá nhân), nhiều người sẵn sàng gánh khoản vay chiếm tới 60 - 70% thu nhập hàng tháng, với niềm tin “nhà sẽ tăng giá, lương sẽ tăng, sau này sẽ nhẹ gánh”.

Người trẻ đua nhau mua nhà: Giấc mơ an cư hay gánh nợ khủng?

Người mua trẻ tuổi cần cân nhắc kỹ các phương án tài chính trước khi xuống tiền

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính cá nhân Huỳnh Minh Nhật, đây là cách tiếp cận đầy rủi ro. “Thu nhập người trẻ rất dễ biến động, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế chưa ổn định. Nếu mất việc, bị giảm lương hay lãi suất tăng, người vay sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính, mất nhà là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra", ông Nhật cảnh báo.

Việc sở hữu nhà sớm là giấc mơ chính đáng nhưng các chuyên gia khuyến nghị người trẻ cần tỉnh táo đánh giá khả năng tài chính, thay vì lao vào mua bằng mọi giá. Những yếu tố như vị trí xa trung tâm, hạ tầng chưa hoàn thiện, vay vốn vượt ngưỡng, lãi suất thả nổi… có thể khiến “giấc mơ an cư” biến thành “ác mộng nợ nần”.

Ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia thị trường bất động sản chia sẻ: “Nếu không đủ năng lực tài chính bền vững, người trẻ hoàn toàn có thể lựa chọn giải pháp thuê dài hạn, tích lũy ổn định rồi mới tính đến việc mua. An cư không nhất thiết phải là một căn hộ đứng tên bạn năm 28 tuổi, mà là cuộc sống không bị đè nặng vì gánh nợ".

Đình Trung

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết