A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kịch bản "gậy ông đập lưng ông" khi phương Tây trừng phạt Nga

Các biện pháp trừng phạt Nga có thể khiến Mátxcơva gặp khó khăn, nhưng bản thân phương Tây cũng gánh chịu hậu quả "gậy ông đập lưng ông".

Phương Tây đã áp dụng những biện pháp trừng phạt nào?

Kể từ ngày 24.2, khi quân đội Nga tràn vào Ukraina, Mỹ, EU và các đồng minh đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt nhằm gây tổn hại đến nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga, đồng thời khiến Tổng thống Vladimir Putin phải xem xét lại chiến dịch quân sự.

Cụ thể, Mỹ, EU, Anh và Canada đã đồng ý ngăn chặn việc ngân hàng trung ương Nga triển khai 643 tỉ USD dự trữ quốc tế “theo những cách làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt”.

EU cấm tất cả các giao dịch với ngân hàng trung ương Nga. Mỹ cũng đã làm như vậy và bổ sung thêm Bộ Tài chính Nga và quỹ tài sản quốc gia.

Một loạt ngân hàng Nga cũng đang bị EU, Mỹ, Anh và Canada cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. EU nói rằng điều này sẽ "ngăn chặn họ hoạt động trên toàn thế giới và ngăn chặn hiệu quả xuất khẩu và nhập khẩu của Nga".

Mỹ đặt 10 tổ chức tài chính hàng đầu của Nga, đại diện cho khoảng 80% lĩnh vực ngân hàng của nước này, vào các hạn chế, bao gồm cấm ngân hàng lớn nhất là Sberbank và các công ty con thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống Mỹ.

Ngân hàng S. Ảnh: Getty

Ngân hàng Sberbank nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Ảnh: Getty

Tài sản của nhiều ngân hàng khác của Nga, bao gồm VTB, ngân hàng lớn thứ hai của nước này, Bank Rossiya và Promsvyazbank, cũng bị ảnh hưởng bởi việc đóng băng tài sản nghiêm ngặt và/hoặc các hạn chế kinh doanh mới ở EU, Anh, Mỹ và các nơi khác.

Về lĩnh vực công nghiệp và vận tải, các hãng hàng không và máy bay tư nhân của Nga dần bị cấm bay vào không phận 27 nước EU. Mỹ cấm công ty năng lượng Nga Gazprom, công ty đường ống dẫn dầu Transneft và công ty điện lực RusHydro, cũng như các công ty vận tải hàng hóa, đường sắt và viễn thông lớn nhất của Nga, khỏi các thị trường tín dụng.

Nhưng các biện pháp nhắm mục tiêu xuất khẩu dầu và khí đốt - vốn cung cấp 36% ngân sách quốc gia của Nga vào năm ngoái - không xuất hiện rõ ràng trong cuộc thảo luận công khai.

Khả năng chống chịu trừng phạt của Nga

Khả năng chống chịu trừng phạt của Nga là một phần trong tính toán dài hạn của Tổng thống Vladimir Putin, cùng với sự hiểu biết của ông về những điểm khó khăn của phương Tây nếu bị "boomerang trừng phạt".

Kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea sau trưng cầu dân ý, các chính phủ phương Tây đã tập trung vào việc răn đe hơn là kiềm chế. Theo thời gian, Tổng thống Putin đã có thể tìm ra "các giải pháp thay thế" - tờ Al Jazeera dẫn lời bà Ta Rachel Ziemba, trợ lý cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho hay.

Một trong những giải pháp là ông Putin quyết định theo đuổi phi toàn cầu hóa có chọn lọc, để ngay cả khi mở cửa nhất, Nga vẫn đóng cửa đối với vốn nước ngoài.

Nga đã tạo ra các rào cản đối với thương mại bằng cách áp đặt thuế nhập khẩu cao; chuyển hướng từ phương Tây sang Châu Á bằng cách giảm dự trữ USD, tăng thương mại song phương với Trung Quốc và nỗ lực triển khai hệ thống thanh toán quốc tế thay thế cho SWIFT. Những động thái này nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc bên ngoài như các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đang được áp dụng hiện nay.

Theo bà Ziemba, một canh bạc khác của Tổng thống Putin là bỏ qua sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga. Bằng cách cắt bỏ các khoản đầu tư và duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, bảng cân đối kế toán của Nga (bao gồm 643 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại tệ) cung cấp cho nước này một bước đệm cho bất kỳ nỗi đau kinh tế nào sắp tới.

Các biện pháp củng cố bên ngoài và bên trong này có thể là một lý do tại sao ông Putin không bị lung lay trước những đe dọa trừng phạt mà các chính phủ phương Tây cảnh báo và áp đặt.

Chứng khoán toàn cầu giảm và giá dầu tăng khi phương Tây áp đặt trừng phạt Nga. Trong ảnh là Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức ngày 28.2.2022. Ảnh: Reuters

Chứng khoán toàn cầu giảm và giá dầu tăng khi phương Tây áp đặt trừng phạt Nga. Trong ảnh là Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức ngày 28.2.2022. Ảnh: Reuters

"Gậy ông đập lưng ông"?

Đợt trừng phạt tiếp theo có thể có nhiều tác động hơn, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có đủ để khiến Nga rút khỏi Ukraina hay không.

Theo nhà phân tích William Jackson của Capital Economics, quyết định ngừng chứng nhận Nord Stream 2 của Đức mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Do Nga đã làm chậm doanh số bán khí đốt của Châu Âu nên việc mất Nord Stream 2 không ảnh hưởng nặng nề như phương Tây mong muốn.

Vấn đề đặt ra là các nước phương Tây sẵn sàng gánh chịu bao nhiêu đau đớn khi đại dịch bất ổn và lạm phát đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong nước? Các nhà phân tích đồng ý rằng việc trừng phạt các lĩnh vực dầu khí của Nga sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga. Các công ty như gã khổng lồ năng lượng BP, mà hôm 27.2 đã thông báo sẽ rút cổ phần tại Rosneft của Nga, có thể là bước dạo đầu cho nhiều hình phạt năng lượng hơn. 

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt làm tăng giá dầu và khí đốt ở phương Tây và dẫn đến áp lực lạm phát lớn hơn có thể không bao giờ được đưa ra. Tại Mỹ, nơi Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với các cuộc bầu cử giữa kỳ cũng như chương trình lập pháp của ông, ý chí chính trị đối với các biện pháp trừng phạt cực đoan là rất thấp.

Bà Ziemba cho biết mối đe dọa của các biện pháp trừng phạt trả đũa cũng tiềm ẩn rất lớn. Ông Putin có thể đối phó bằng cách vũ khí hóa bất kỳ lĩnh vực nào từ khí đốt đến dầu mỏ, ngũ cốc đến phân bón. “Điều đó sẽ có hại cho nước Nga, cho người dân Nga nhưng cũng có hại cho nền kinh tế toàn cầu" - bà Ziemba nói.

Ảnh: AFP

Chiến dịch quân sự của Nga làm tăng giá xăng dầu trên khắp thế giới. Ảnh: AFP

Chiến dịch quân sự của Nga đã làm tăng giá năng lượng trên khắp thế giới trong nhiều tháng do thị trường đang xáo trộn do sự không chắc chắn về nguồn cung cấp dầu và khí đốt. Có những lo ngại rằng xung đột ở Ukraina có thể phá hủy hoặc phá vỡ cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên của nước này - nơi trung chuyển khoảng 1/3 khí đốt Nga xuất khẩu cho Châu Âu - hoặc Nga có thể cắt giảm nguồn cung cấp dầu và khí đốt cho phương Tây để đáp trả các lệnh trừng phạt. Theo các nhà phân tích, giá dầu có thể lên tới 130 USD/thùng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan