A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi sắc như ngành gỗ: Xuất khẩu có thể đạt 18 tỷ USD

Dự báo triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2022, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ đạt khoảng 16 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cho rằng ngành gỗ hoàn toàn có thể đạt mức 17,5 - 18 tỷ USD như mục tiêu mà ngành đặt ra cho năm 2022.

Không sợ thiếu đơn hàng

Trao đổi cùng Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Nguyễn Hữu Thông, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên gỗ Hoàng Thông, cho biết bước sang năm 2022, khi đại dịch Covid-19 được khống chế, chuỗi cung ứng về lao động được phục hồi, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ông đã có nhiều khởi sắc.

“Năm 2021, công ty tôi chỉ có 1.000 lao động làm việc ‘3 tại chỗ’ ở các nhà máy tại thị xã Tân Uyên và TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhưng đến nay công ty đã sản xuất bình thường trở lại và có 2.300 lao động đang làm việc. Hiện tại, các đơn hàng của chúng tôi đã được ký tới hết năm, và để hoàn thành đơn hàng, chúng tôi đang tuyển thêm 1.000 công nhân nữa”, ông Thông cho biết.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Vifores), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2022 tăng từ 5% đến 8%...

Tính riêng tháng 4, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Những con số về kết quả xuất khẩu trong tháng 4 là rất đáng mừng, bởi xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 3/2022 giảm 5,9% so với tháng 3/2021.

Theo Vifores, điều đáng nói hơn nữa là, trong 4 tháng qua, thị trường xuất khẩu của mặt hàng gỗ rất bền vững, uy tín. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 4/2022 ước đạt 895 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Cung cấp thêm thông tin, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores, nhận định: “Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa vãn hồi, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển đường biển liên tục ‘leo thang’, ngành gỗ đã tìm mọi giải pháp giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp ngành gỗ đã đưa ra loạt giải pháp về chống gian lận thương mại, tái cấu trúc đi thẳng vào những sản phẩm có lực hút cao của thế giới như phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và nhiều sản phẩm trung gian khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của gỗ Việt Nam”.

“Bắt” cơ hội từ các FTA thế hệ mới

Theo ông Đỗ Xuân Lập, hiện xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ... Đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Trong tình hình hiện tại, mặc dù doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu hụt lao động, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó. “Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý III và thậm chí đến hết năm 2022. Với kết quả tích cực đạt được trong những tháng đầu năm 2022, dự báo xuất khẩu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 sẽ tăng từ 5% - 8% so với cùng kỳ năm 2021”, ông Lập nhấn mạnh.

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới được nhìn nhận bao gồm: doanh nghiệp gỗ của Việt Nam có nhiều lợi thế so các nước xuất khẩu đồ gỗ, bởi Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ và chi phí tăng cao. Trong khi đó, Italia, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao, do nguồn cung gỗ bị hạn chế bởi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine.

Theo Vifores, thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã không còn là vấn đề đáng lo với ngành gỗ. Tại hầu hết các nước, các công sở, văn phòng đã mở cửa hoạt động trở lại. Vì vậy, mặt hàng có nhu cầu được mua nhiều trong những tháng tới là đồ nội thất văn phòng.

Với ngành gỗ, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sản xuất chính, chiếm 52% thị phần sản xuất đồ nội thất văn phòng thế giới, tiếp theo là Bắc Mỹ chiếm 24% và châu Âu với 19%. Sau khi giảm 10% trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến năm 2021, sản xuất đồ nội thất văn phòng toàn cầu đạt 52 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.

Phân khúc đồ nội thất văn phòng có triển vọng rất khả quan, tuy nhiên, sản xuất đồ nội thất văn phòng của Việt Nam chưa chú trọng vào phân khúc này. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp trên thị trường thế giới. Do đó, thời điểm này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Lập cho biết hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện được thúc đẩy bởi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới, đang thực hiện chiến lược “Zero Covid” khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn… Mặt khác, Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ do chi phí tăng cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan