JPMorgan: Giá dầu có thể lên tới 120 USD/ thùng nếu căng thẳng Nga – Ukraine leo thang
Theo dự báo của ngân hàng JPMorgan, giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị “trật bánh” do căng thẳng với Ukraine.
Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao trong những tuần gần đây. Dầu thô Brent đạt mức cao nhất trong 7 năm là 94 USD/thùng vào ngày 7/2, ngay sau đó giá dầu đã giảm xuống khoảng 91 USD.
Vì vậy, mới đây ngân hàng JPMorgan đã đưa ra dự báo nhấn mạnh rằng một cuộc chiến sự tiềm năng tại Ukraine có thể gây ra các hiệu ứng gợn sóng trên diện rộng và khiến người tiêu dùng mệt mỏi vì lạm phát trên toàn thế giới.
"Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy dầu từ Nga trong bối cảnh công suất dự phòng thấp ở các khu vực khác có thể dễ dàng đẩy giá dầu lên 120 USD", Natasha Kaneva, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của JPMorgan viết trong báo cáo được công bố vào cuối ngày 8/2.
Cũng theo cảnh báo của ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ, nếu xuất khẩu dầu của Nga bị cắt giảm một nửa, giá dầu Brent có thể sẽ chạy đua lên 150 USD/thùng, phá vỡ kỷ lục mức cao nhất mọi thời đại của giá dầu được thiết lập vào tháng 7/2008, khi dầu Brent tăng vọt lên mức 147,50 USD/thùng.
Với vị thế là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên số 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Nga đóng vai trò chủ chốt tại OPEC+, vì vậy, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra một số rủi ro cho thị trường dầu mỏ.
Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực. Thứ hai, các cường quốc phương Tây có thể tìm cách trừng phạt Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này, mặc dù các quan chức Mỹ đã ra dấu hiệu ưu tiên trừng phạt các lĩnh vực khác của nền kinh tế nước này trước.
Theo sau đó là nguy cơ Tổng thống Nga Vladimir Putin trả đũa bằng cách vũ khí hóa xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt tự nhiên cao hơn ở châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ khi các nhà máy và nhà máy điện chuyển sang sử dụng dầu thay thế.
Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu - và khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu, quốc gia đang phải vật lộn với chi phí sưởi ấm gia đình rất cao.
“Sự gián đoạn xuất khẩu trên bất kỳ đường ống lớn nào có thể khiến cân bằng khí đốt tự nhiên của châu Âu rơi vào tình trạng bấp bênh, đặc biệt là khi năm 2022 bắt đầu với lượng tồn kho khí đốt ở châu Âu thấp kỷ lục,” JPMorgan cảnh báo.
Xem thêm >> SSI Research: Giá dầu leo đỉnh 7 năm, mở ra cơ hội mới cho nhóm dầu khí