Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh thị trường bất động sản nóng lên, Malaysia giảm lãi suất lần đầu tiên sau 5 năm
Ngày 9/7, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản với mục đích kiềm chế thị trường bất động sản đang nóng lên và nợ hộ gia đình ngày càng tăng. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) đã cắt giảm lãi suất chính sách qua đêm (OPR) 25 điểm cơ bản xuống còn 2,75% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
BOK giữ nguyên lãi suất ở mức 2,5%, tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất sau 2 lần cắt giảm hồi đầu năm nay, với tổng mức giảm 0,5 điểm phần trăm để hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ.
Quyết định của BOK cho thấy mối lo ngại của cơ quan này về tình trạng nợ hộ gia đình gia tăng, do thị trường nhà ở quá nóng. Sự gia tăng mạnh các khoản vay hộ gia đình có thể đe dọa sự ổn định tài chính của đất nước thông qua việc gia tăng rủi ro nợ xấu.
Do các giao dịch nhà ở và giá nhà tăng vọt, các khoản vay hộ gia đình chưa thanh toán tại các ngân hàng đã đạt 1.161,5 nghìn tỷ Won (835 tỷ USD) tính đến cuối tháng 6 - mức tăng hàng tháng lớn nhất trong 10 tháng, theo dữ liệu của BOK công bố.
Chênh lệch lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, hiện ở mức kỷ lục 2 điểm phần trăm, là một yếu tố quan trọng khác trong lập trường thận trọng của BOK. Với việc FED dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng này, nếu BOK cắt giảm thêm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lên 2,25 điểm phần trăm, làm dấy lên lo ngại về biến động của thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng BOK có thể hạ lãi suất chính sách 1 hoặc 2 lần vào cuối năm nay nếu nhu cầu trong nước vẫn yếu. Các biện pháp thuế quan của chính quyền Mỹ cũng gây ra rủi ro cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc.
Đối với Ngân hàng Trung ương Malaysia, cơ quan này đã cắt giảm lãi suất chính sách qua đêm (OPR) 25 điểm cơ bản xuống còn 2,75% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Lãi suất trần và lãi suất sàn của hành lang OPR đã được điều chỉnh tương ứng xuống còn 3% và 2,5%.
Bank Negara Malaysia cho biết động thái này là một bước đi phòng ngừa để duy trì con đường tăng trưởng ổn định của đất nước khi lạm phát vẫn ở mức vừa phải.
"Trong khi nền kinh tế trong nước đang vững mạnh, những bất ổn xung quanh các diễn biến bên ngoài có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Malaysia", Bank Negara cho biết.
Nền kinh tế Malaysia dự kiến sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước phục hồi, hoạt động đầu tư bền vững và chi tiêu hộ gia đình ổn định.
Điều kiện thị trường lao động thuận lợi và tiến độ của các dự án công và tư kéo dài nhiều năm sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong các quý tới.
Bank Negara lưu ý rằng lạm phát trung bình đạt 1,4% đối với lạm phát toàn phần và 1,9% đối với lạm phát lõi trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, và dự kiến sẽ duy trì ở mức vừa phải trong suốt năm 2025.
Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng vẫn nghiêng về phía tiêu cực, do thương mại toàn cầu suy yếu, tâm lý thị trường yếu hơn và sản lượng hàng hóa thấp hơn.
Theo Bank Negara, diễn biến của đồng Ringgit sẽ phần lớn bị ảnh hưởng bởi các diễn biến bên ngoài bất chấp các cải cách cơ cấu trong nước đang diễn ra.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Bank Negara cho biết sẽ duy trì cảnh giác và tiếp tục đánh giá các rủi ro đối với tăng trưởng và lạm phát trong tương lai.