Khánh Hòa hoàn thành 24/26 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 – 2025
Khánh Hòa – Địa phương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, với tốc độ GRDP bình quân đạt 8,2%/năm.
Khánh Hòa hoàn thành 24/26 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hữu Long
Theo dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 – 2030, tính đến hết năm 2025, Khánh Hòa đã hoàn thành 24/26 chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020–2025, trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch.
GRDP bình quân tăng 8,2%/năm (so với mục tiêu 7,5%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 375 nghìn tỉ đồng, năng suất lao động tăng trung bình 7,3%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 0,85%, giảm 77% so với năm 2021; Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được công nhận thoát nghèo.
Kinh tế chuyển dịch mạnh, công nghiệp – dịch vụ chiếm hơn 82%
Cơ cấu kinh tế tỉnh Khánh Hòa chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại. Đến năm 2025, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,47%, nông – lâm – thủy sản còn 9,19%. Xuất khẩu đạt khoảng 2,2 tỉ USD, vượt chỉ tiêu 2 tỉ USD đề ra.
Thu hút đầu tư chiến lược được đẩy mạnh với nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghệ cao, năng lượng sạch, cảng biển, đô thị du lịch. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối mạnh mẽ giữa các vùng động lực: vịnh Vân Phong – Nha Trang – Cam Ranh.
Tỉnh cũng tích cực triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW và các chính sách đặc thù được Quốc hội, Chính phủ ban hành, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng phần lớn tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy vậy, vẫn còn 2 chỉ tiêu chưa đạt gồm: GRDP bình quân đầu người (114,2 triệu đồng/người so với chỉ tiêu 131,9 triệu), và thu ngân sách nội địa năm 2025 tăng gấp 1,9 lần so với năm 2020 (kế hoạch đề ra là gấp 2,2 lần).
Liên kết vùng – Phát triển đồng đều
Khánh Hòa và Ninh Thuận (trước sáp nhập) đều đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp, du lịch, dịch vụ và kinh tế biển. Ninh Thuận nổi bật với vai trò trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, với 57 dự án điện công suất 3.750MW (chiếm 18% tổng công suất cả nước).
Cả hai tỉnh đẩy mạnh xây dựng hạ tầng chiến lược như cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, và các tuyến ven biển, đường liên vùng. Hệ thống cảng biển, sân bay, thủy lợi, logistics được đầu tư mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ tài chính – ngân hàng, công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… được phát triển đồng bộ. Kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo từng bước được chú trọng, giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.
Định hướng phát triển giai đoạn 2025 – 2030, Khánh Hòa xác định rõ mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế biển, công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, du lịch, năng lượng tái tạo, kinh tế số; tháo gỡ dứt điểm các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực; sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy giá trị văn hóa, con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực của phát triển;
Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng – an ninh, đặc biệt xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển, pháo đài bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.