A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường hay để giá xăng tăng?

Theo chuyên gia, việc giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này là cần thiết, đồng thời Chính phủ nên xem xét giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách.

Thách thức chưa từng có

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước. 

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại)

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại)

Theo đó, trước biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới và trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại), với mục tiêu kìm đà tăng giá của mặt hàng thiết yếu này.

Trong lần thứ 2 đề xuất giảm thuế BVMT trong năm, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đều được Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch khung về mức sàn, gồm giảm từ 50%-70% so với mức thuế BVMT hiện tại. 

Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng/lít với các mặt hàng xăng, từ 2.000 đồng/lít hiện tại; giảm thêm 500 đồng/lít, xuống còn 1.000 đồng/lít thuế với nhiên liệu bay; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut, dầu nhờn giảm 7.00 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm tương tự, từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.

Dầu hoả được đề xuất duy trì mức thuế BVMT ở 300 đồng/lít, giảm 700 đồng/lít, vì đây là mức sàn trong định mức cho phép.

Nếu được Quốc hội thông qua trong tháng 7/2022, hiệu lực thi hành của Nghị quyết sẽ từ 01/8/2022 đến hết năm. Từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTV Quốc hội.

Hiện nay giá xăng vượt mức 32.000 đồng/lít đang đặt ra thách thức chưa từng có đối với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Việt Nam. Tổng cục Thống kê cho biết, CPI đã tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây vì lý do chính là giá xăng dầu. Bên cạnh những ý kiến đề nghị Chính phủ sớm can thiệp để hạ nhiệt giá xăng dầu, một số ý kiến khác lại cho rằng, muốn giá xăng dầu lên xuống theo thế giới, tức thả nổi và không nên nỗ lực tìm mức giá rẻ nhất so với các nước xung quanh. Vì vậy, để giá xăng tăng tiếp hay giảm thuế kịch khung để hạ nhiệt mặt hàng này là băn khoăn của nhiều người...

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên kinh tế ĐH RMIT cho biết, Việt Nam là một nước xuất khẩu dầu thô nhưng lại nhập xăng dầu thành phẩm. Do đó, giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá cả của thế giới. Để hạ nhiệt giá xăng thì có hai giải pháp tạm thời: Giảm các loại thuế; và Trợ giá xăng dầu. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp không tối ưu, do ngân sách nhà nước có hạn. Nếu Nhà nước cắt một miếng bánh to để trợ giá xăng dầu, thì phần cho những chi tiêu còn lại như giáo dục, y tế, quốc phòng sẽ bị thu hẹp lại.

Còn trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, việc xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân là cần thiết. Loại thuế này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, nhiều chuyên gia tại Việt Nam có ý kiến cần giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu. Mục đích của loại thuế này là đánh vào các mặt hàng xa xỉ như ô tô, máy bay hoặc sản phẩm không được khuyến khích tiêu dùng do gây ra các ngoại ứng tiêu cực như thuốc lá, rượu bia… Mặc dù xăng dầu cũng gây ra ngoại ứng tiêu cực nhưng mặt hàng này đã bị đánh thuế bảo vệ môi trường, nên theo tôi không nên thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Chính phủ cần hỗ trợ người dân bằng cách giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu dầu thô. Giá dầu thô tăng lên sẽ bù vào phần ngân sách bị mất đi khi Chính phủ hỗ trợ người dân. Như vậy, Chính phủ vẫn có thể tính toán lại nguồn thu và nhiệm vụ chi trong bối cảnh lạm phát trong tương lai”, TS. Bùi Duy Tùng khuyến nghị.

Cân đối giải pháp

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng vừa lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá, để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Với tình hình thị trường xăng dầu trong nước biến động không ngừng, nhiều ý kiến đồng tình rằng nên đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và bỏ trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu

Với tình hình thị trường xăng dầu trong nước biến động không ngừng, nhiều ý kiến đồng tình rằng nên đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và bỏ trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi này, Bộ Tài chính đã sửa hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá. Cụ thể, khoản 1 Điều 16 dự thảo nêu rõ: Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc Danh mục do Chính phủ quy định. Trường hợp phát sinh phải điều chỉnh Danh mục, trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Danh mục.

Trong khi đó, Điều 15 Luật Giá năm 2012 hiện đang có hiệu lực đang quy định cụ thể danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Trong đó, có thể kể đến: Xăng, dầu, điện, muối ăn, sữa cho trẻ dưới 06 tuổi, thóc, gạo tẻ thường…

Và dự thảo đưa ra các trường hợp xem xét, quyết định hàng hoá dịch vụ không thuộc danh mục bình ổn giá trong một thời gian nhất định gồm: Trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh; Trường hợp cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp. Sau khi xem xét các trường hợp nêu trên kết hợp với đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ xem xét và quyết định.

Quy định hiện nay, khoản 3 Điều 15 Luật Giá năm 2012 đang quy định khi cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Chính phủ phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện nay, thực tế chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu và quỹ này được lập tại doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 103/2021/TT-BTC). Đây là quỹ không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, có nhiệm vụ điều tiết, hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước theo các phiên điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, với tình hình thị trường xăng dầu trong nước biến động không ngừng, nhiều ý kiến đồng tình rằng nên đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và bỏ trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ngoài ra, khi phát sinh những mặt hàng cần phải bình ổn như giá thịt lợn khi xảy ra dịch lợn châu Phi… thì do danh mục mặt hàng cần bình ổn giá đã được thể hiện cụ thể trong Luật Giá hiện nay, gây hạn chế cũng như khó thực hiện điều chỉnh theo đúng quy định, gây ảnh hưởng lớn đến giá cả trên thị trường.

Thực tế, từ góc độ quản lý về vĩ mô của Nhà nước, Quỹ là công cụ kiểm soát tăng giá, vai trò là cần thiết, nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp không cần bởi không được lợi. Việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp phải bố trí thêm nhân sự trong hệ thống để theo dõi hoạt động của quỹ. Nếu doanh nghiệp nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng, đây là điều mà các doanh nghiệp đầu mối không hề mong muốn.

“Tuy nhiên, vấn đề khó khăn khi bỏ quỹ này nằm ở chỗ, giá xăng dầu phải được điều chỉnh hàng ngày, chứ không phải trong chu kỳ như hiện nay. Nếu giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường thì chẳng có lý do gì để tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cũng vì vậy, Chính phủ cần kiểm tra, rà soát giá chặt chẽ, tạo nguồn cung chủ động ngăn chặn doanh nghiệp làm giá nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường”, ông  Bùi Ngọc Bảo nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan