A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán vốn cho hành trình phát triển xanh

Một trong những thách thức trong hành trình phát triển xanh với các doanh nghiệp là việc tiếp cận vốn, với các ngân hàng là cơ chế để đẩy mạnh, hướng dòng tín dụng đúng và trúng "địa chỉ", góp phần tăng trưởng kinh tế hiệu quả.

Các ngân hàng đã quan tâm đẩy mạnh cấp tín dụng xanh. Ảnh minh hoạ: Internet

Các ngân hàng đã quan tâm đẩy mạnh cấp tín dụng xanh. Ảnh minh hoạ: Internet

Khát vọng xanh từ doanh nghiệp, ngân hàng

Chia sẻ về hướng đi của doanh nghiệp, bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thương mại Hạnh Silk cho biết, doanh nghiệp đang chuẩn bị xây dựng dự án khôi phục, bảo tồn và phát triển Làng nghề lụa đũi Nam Cao tại Thái Bình với diện tích 4,5 hecta.

 

Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chính sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên, bà Hạnh nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển đổi xanh là việc tiếp cận công nghệ hiện đại, để không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn gia tăng giá trị sản phẩm. Vì thế các doanh nghiệp cần được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn để triển khai dự án nhanh chóng và hiệu quả.

Nhu cầu về vốn cho phát triển xanh là mong mỏi chung của nhiều doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã tích cực tham gia vào lĩnh vực tín dụng xanh.

Theo báo cáo tại Hội nghị về Triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng về tăng trưởng xanh mới đây, SHB cho biết, tín dụng xanh đang chiếm hơn 11% tổng dư nợ, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giao thông bền vững và nông nghiệp xanh.

Còn tại MB, dư nợ tín dụng xanh đã có mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2024 là 25%/năm, từ 45.000 tỷ đồng năm 2021 lên 65.000 tỷ đồng năm 2024, hỗ trợ cho khoảng 2.800 khách hàng. MB đặt mục tiêu tín dụng xanh chiếm từ 8-10% tổng dư nợ, với các lĩnh vực trọng tâm là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông lâm nghiệp bền vững.

Theo thống kê từ NHNN, trên 60% ngân hàng đã phát sinh dư nợ tín dụng xanh, 27 ngân hàng xây dựng các sản phẩm/chương trình tín dụng chuyên biệt cho các ngành/lĩnh vực xanh. 100% tổ chức tín dụng đã ban hành quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định, 31% tổ chức tín dụng đã xây dựng chính sách về quản lý rủi ro môi trường xã hội.

Tính đến 31/3/2025, tín dụng xanh đạt trên 704.200 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (37%) và nông nghiệp xanh (29%).

Trong giai đoạn 2017-2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt trung bình 21,2%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Nguồn và biểu đồ: NHNN

Trong giai đoạn 2017-2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt trung bình 21,2%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Nguồn và biểu đồ: NHNN

Thách thức và rào cản

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc cấp tín dụng xanh. Báo cáo của SHB cho hay, với tín dụng lĩnh vực năng lượng tái tạo, khó khăn vướng mắc nằm ở rủi ro dòng tiền do giá điện chưa ổn định, thủ tục pháp lý kéo dài và chính sách phát triển ngành năng lượng tái tạo biến động, gây trở ngại trong việc thẩm định, định giá rủi ro và xây dựng cấu trúc tín dụng.

Nói về khó khăn chung của toàn ngành Ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, các văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích về tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh chưa được hoàn thiện đồng bộ để tạo động lực khơi thông thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Hơn nữa, việc cân đối, bố trí nguồn lực tài trợ các dự án xanh còn khó khăn do phải đáp ứng quy định tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn/cho vay trung dài hạn để tài trợ cho các dự án xanh. Việc huy động, tiếp nhận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế còn hạn chế khi chỉ có 20 tổ chức tín dụng tiếp nhận được các hỗ trợ tài chính quốc tế, chi phí vốn còn cao.

Cùng với đó là việc số lượng các dự án xanh đáp ứng các tiêu chuẩn hiện nay về bảo vệ môi trường, có tính khả thi, hiệu quả tài chính chưa nhiều. Các tổ chức tín dụng còn khó tiếp cận hệ thống thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của khách hàng.

Do vậy, các ngân hàng đều mong muốn sớm ban hành bộ tiêu chí chuẩn hoá đánh giá chuyển đổi xanh để việc cấp tín dụng được thuận lợi hơn.

Đồng thời các cơ quan quản lý cần đóng vai trò là đầu mối kết nối ngân hàng Việt Nam với các tổ chức tài chính quốc tế (IFC, ADB, WB, GCF…) nhằm mở rộng hạn mức vay tái cấp vốn xanh hoặc bảo lãnh tín dụng, cũng như hưởng lợi từ các gói hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ rủi ro.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện NHNN cho biết, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; cũng như hướng dẫn về tín dụng xanh sau khi ban hành Danh mục phân loại xanh.

NHNN cũng sẽ có hướng dẫn cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án xanh, thân thiện môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng tiêu chuẩn ESG theo định hướng của Nghị quyết 68-NQ/BCT, Nghị quyết 139/NQ-CP.

Các cơ quan chức năng cũng sẽ tích cực đàm phán, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp nhận các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật về tài chính xang; đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, thông tin, truyền thông, phối hợp tuyên truyền, tư vấn cho khách hàng về phát triển xanh...


Tác giả: Hương Dịu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết