Giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế không còn xa
Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở các quốc gia trên thế giới sẽ là kinh nghiệm quý cho Việt Nam tham khảo phát triển trung tâm này ở TP.HCM.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam được bàn đến từ khá lâu, nhưng vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều.
Một phần Bán đảo Thủ Thiêm và Quận 1 được nhiều ý kiến đồng thuận là nơi đặt vị trí cốt lõi của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.
Điều kiện cần
Trung tâm tài chính quốc tế là đầu mối của ngành dịch vụ tài chính, nơi đặt trụ sở của các ngân hàng lớn nhất thế giới và các sở giao dịch chứng khoán, bảo hiểm; đồng thời đóng vai trò tiếp nhận, lưu giữ, trung chuyển, phân phối vốn cho khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, trung tâm tài chính quốc tế có thiết chế luật pháp tích hợp và liên thông trực tiếp với nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng, tổ chức quản lý tài chính quốc tế như IMF, WB,…
Ngoài ra, trung tâm tài chính quốc tế có nguồn gốc từ sự phát triển tầm cao về công nghiệp và thương mại. Hầu như các thành phố tài chính đều rất phát triển về kinh tế như Tokyo, Thượng Hải, New York, London,… hoặc giàu tài nguyên thiên nhiên, thuận lợi về giao thông.
Khi các ngân hàng và tổ chức tài chính kết lại thành mạng lưới, các dịch vụ dần dần được chuyên biệt, chuyên nghiệp hóa hóa một cách rõ rệt. Ngoài ra cần có môi trường kinh doanh đủ tốt, nhân lực đủ mạnh và tính kết nối rộng rãi.
Tham chiếu quốc tế
Tokyo, London, New York… đại diện cho mô hình trung tâm tài chính quốc tế (IFC), trong khi Franfurt, Chicago, Sydney… đại diện cho mô hình trung tâm tài chính khu vực (RFC).
Tokyo mất 30 năm tích lũy để trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Trong thời gian này, thủ đô Nhật tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao; đồng thời tăng tỷ lệ doanh nghiệp tầm trung và lớn, giảm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cách làm của Nhật Bản là thu hút nhân sự chất lượng cao khắp thế giới, đồng thời kêu gọi các định chế tài chính hàng đầu vào đặt trụ sở, được ưu đãi đặc quyền về thuế và cư trú trên khắp lãnh thổ. Đây là kế hoạch xây dựng Osaka và Fukuoka nhằm thay thế Tokyo của Thủ tướng Nhật.
Trong khi đó, Singapore chính thức bắt tay xây dựng trung tâm tài chính quốc tế vào năm 1995. Quốc gia này tập trung vào mảng quản lý ngoại hối, quản lý tài sản quốc tế và những năm gần đây đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ Fintech.
Đảo quốc này coi tài chính là ngành mũi nhọn ngay từ đầu. Khi đó, ông Lý Quang Diệu đã sử dụng phương thức “nhà nước kiến tạo và phát triển”, thành lập “thị trường USD châu Á” tung ra ưu đãi thuế để thu hút giao dịch.
Cũng như Tokyo, giới lãnh đạo Singapore hiểu rất rõ công nghệ, số hóa và phương thức vận hành hệ thống trơn tru là những vấn đề then chốt để phát triển trung tâm tài chính khu vực và thế giới.
TP.HCM đang có nhiều cơ hội phát triển trung tâm tài chính quốc tế, song không phải với cơ sở vật chất, tiềm lực hiện nay. Trung tâm tài chính không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ tài chính, mà còn quản lý tài sản, bảo hiểm và rất nhiều chủ thể có thể tham gia trong chuỗi giá trị ấy.