A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dư luận nước ngoài đánh giá tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4/2025

Thống kê của Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại cho thấy, tháng 4/2025, đã có 285 tin, bài của các hãng thông tấn, báo đài nước ngoài thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam. Nhìn chung, báo chí nước ngoài đều nhận định tích cực, lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2025 được dư luận nước ngoài đánh giá đầy triển vọng. (Ảnh: Internet)

Tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2025 được dư luận nước ngoài đánh giá đầy triển vọng. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, Trang Fibre2fashion (Ấn Độ) ngày 7/4 có bài viết “Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 là 6,7%”. Theo đó, Standard Chartered đánh giá, triển vọng kinh tế Việt Nam được thúc đẩy nhờ sự hội nhập mạnh mẽ vào mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do, cùng với dòng vốn FDI. Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng trưởng lần lượt là 6% và 6,2%. Đáng chú ý, lạm phát tháng 3/2025 có thể ở mức 3,4%, tăng so với mức 2,9% của tháng 2/2025. Nếu áp lực lạm phát tiếp diễn có thể gây ra thách thức cho chính sách tiền tệ.

Standard Chartered cũng cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc các chính sách tiền tệ linh hoạt để đảm bảo khu vực tài chính có khả năng phục hồi và ứng phó với những biến động kinh tế tiềm ẩn.

Trong khi đó, Trang The Pinnacle Gazette ngày 06/4 đánh giá “Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển”. Cụ thể, theo trang này, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 11 tỷ USD vào đầu năm 2025 phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư về sự ổn định kinh tế và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Khi Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam sẵn sàng thu hút thêm vốn quốc tế, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Trang The Pinnacle Gazette cũng đưa ra đánh giá: Với những xu hướng tích cực này, có vẻ như Việt Nam không chỉ đang phục hồi sau những thách thức kinh tế trong quá khứ, mà còn đang định vị mình là điểm đến cạnh tranh cho đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư ngày càng nhận ra những cơ hội có sẵn tại Việt Nam, dẫn đến tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Trang Vietnam Briefing của hãng Dezan Shira & Associates (trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc) ngày 31/3 lại có bài viết đánh giá cao về công nghệ thông tin của Việt Nam. Bài viết “Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và có tiềm năng phát triển to lớn” cho rằng, với khoản đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu và blockchain, Việt Nam đang định vị là điểm đến hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự bùng nổ của ngành này phần lớn là do nhu cầu trong nước ngày càng tăng đối với các dịch vụ công nghệ thông tin (tỷ lệ dân số Việt Nam sử dụng internet tăng cao), các chính sách thuận lợi của Chính phủ và các khoản đầu tư lớn.

Một trong những vấn đề được cả thế giới quan tâm thời gian qua là chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Về tác động của chính sách này với Việt Nam, các cơ quan báo chí nước ngoài đều có những nhận định thẳng thắn, đánh giá tích cực về những động thái và hiệu quả có thể đạt được của Việt Nam.

Như Hãng tin Al Jazeera (Qatar) ngày 17/4 cho rằng, bất chấp những rủi ro đối với Việt Nam, các nhà quan sát cũng nhìn thấy cơ hội. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp đang tăng cường sản xuất để đưa hàng hóa đến Mỹ trong 3 tháng tới trong khi mức thuế 10% còn hiệu lực. Về lâu dài, Việt Nam có thể một lần nữa hưởng lợi từ sự gia tăng bất ổn giữa Washington và Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Trump. Đây có thể là “cơ hội vàng” để châu Âu tăng cường thương mại với Việt Nam và để Hà Nội đa dạng hóa thương mại rộng rãi hơn.

Còn trang Benzinga (Hoa Kỳ) ngày 10/4 cho rằng, việc Mỹ và Việt Nam khởi động các cuộc đàm phán thương mại có thể thúc đẩy ngành sản xuất công nghệ đang phát triển của Việt Nam. Giai đoạn 90 ngày tạm hoãn áp thuế báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.

Một điểm sáng của Việt Nam được nhiều cơ quan ngôn luận nước ngoài đánh giá cao thời gian qua là sự phát triển mạnh mẽ của du lịch- ngành công nghiệp không khói.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 25/3 cho rằng “Việt Nam là điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”. Theo đó, các yếu tố như chính sách thị thực linh hoạt hơn, tăng cường các chuyến bay thẳng và sự xuất hiện của các khách sạn cao cấp đang giúp nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trong năm nay. Hãng tin này cũng đưa ra những cứ liệu cụ thể như: Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực về lượng khách du lịch quốc tế, với 17,5 triệu lượt khách vào năm 2024, vượt qua Singapore và chỉ đứng sau Malaysia (25 triệu lượt) và Thái Lan (35 triệu lượt). Tốc độ phục hồi của Việt Nam đạt 98% so với năm 2019, dẫn đầu Đông Nam Á, trong khi Thái Lan chỉ đạt 87,5% và Singapore 86%. Việt Nam cũng đã đón gần 4 triệu lượt khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2025, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước…

Bloomberg đánh giá: Không có dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam sẽ giảm. Việt Nam đặt mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế vào cuối năm 2025. Với sự khánh thành sân bay Quốc tế Long Thành vào tháng 3/2026, khả năng đón khách của Việt Nam có thể lên đến 25 triệu lượt, cạnh tranh trực tiếp với Malaysia và Thái Lan.

Còn Trang Travel And Tour World - TTW (Mỹ) ngày 06/4 đưa tin “Việt Nam nổi lên là điểm đến phổ biến thứ ba ở Đông Nam Á”. Theo trang này, Việt Nam có những tiến bộ ấn tượng trong quá trình phục hồi du lịch, đạt 98% lượng khách đến trước đại dịch. Với mục tiêu thu hút 23 triệu du khách vào năm 2025, Việt Nam sẵn sàng phá vỡ kỷ lục du lịch trong năm tới.

Trang Sputnik News (Nga) lại đánh giá tích cực về chính sách miễn giảm thị thực của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, việc Chính phủ Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân của 15 quốc gia, bao gồm nhiều thị trường chiến lược như Ba Lan, Thụy Sĩ… không chỉ là tín hiệu tích cực, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc mở cửa bền vững và có chọn lọc, là cơ hội vàng cho ngành du lịch.

Địa đạo Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh, một địa điểm hút khách du lịch quốc tế, đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.

Địa đạo Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh, một địa điểm hút khách du lịch quốc tế, đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.

Còn Trang The Independent (Anh) ngày 14/4 đưa ra nhận định “Việt Nam thu hút du khách muốn tìm hiểu tận mắt tác động của chiến tranh. Trang này phân tích, du lịch đã phục hồi nhanh chóng kể từ đại dịch COVID-19 và hiện là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, nhanh nhất trong khu vực, cung cấp khoảng 10% việc làm trên cả nước. Các địa điểm như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP. Hồ Chí Minh) thu hút khoảng 500.000 du khách mỗi năm, trong đó khoảng 2/3 là người nước ngoài. Dinh Độc Lập cũng là địa điểm thời chiến rất thu hút du khách bởi nơi ghi đậm dấu ấn ngày giải phóng miền Nam. Địa đạo Củ Chi thu hút khoảng 1,5 triệu người mỗi năm, trèo và bò qua một số lối đi hẹp của địa đạo và trải nghiệm sử dụng các loại vũ khí thời chiến như AK-47, M-16 và súng máy M-60 tại trường bắn.

Hay ở miền Trung Việt Nam, Khu phi quân sự trước đây (Vĩ tuyến 17), nơi chia cắt miền Nam - Bắc ở tỉnh Quảng Trị cũng là nơi chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt nhất trong chiến tranh, thu hút hơn 03 triệu du khách vào năm 2024. Ở miền Bắc Việt Nam, Nhà tù Hỏa Lò cũng là nơi hút khách khi kể lại câu chuyện những ngày chiến tranh theo góc nhìn của người Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết