Dòng chảy vốn vào thị trường mới nổi tích cực trở lại
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong tâm lý, khi chứng khoán của thị trường mới nổi đã thu hút khoảng 65,7 tỷ USD trong tháng 1, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Vốn ròng tăng vọt
Theo Reuters, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, vào tháng 1, chứng khoán và nợ của các thị trường mới nổi đã thu hút dòng vốn ròng hàng tháng khoảng 65,7 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 1/2021. Trong đó, một lượng tiền đáng kể đã chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
“Sự chậm lại rõ ràng trong việc tăng lãi suất ở các thị trường phát triển và triển vọng thuận lợi hơn đã cho phép một số thị trường mới nổi quay trở lại phát hành nợ mới trên thị trường.
Việc nới lỏng các hạn chế về Covid-19 ở Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý thị trường, khiến chứng khoán Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các quỹ nước ngoài đã mua 17,6 tỷ đô la Mỹ cổ phiếu Trung Quốc vào tháng 1, dòng vốn lớn nhất kể từ tháng 12/2020 và tăng từ 6,3 tỷ đô la Mỹ trong tháng 12”, IIF cho biết.
Dữ liệu của cơ quan này cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 2,5 tỷ USD nợ Trung Quốc trong tháng 1 so với dòng vốn ròng 5,1 tỷ USD trong tháng 12. Như vậy, dòng tiền này đã phản ánh sự thay đổi tích cực trong tâm lý rủi ro bao phủ thị trường năm 2023.Với dự báo lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ sẽ giảm trong 12 tháng tới, điều đó có thể tạo ra một bức tranh tích cực hơn cho các thị trường mới nổi.
Số liệu do BofA Global Research công bố hồi cuối tháng 1 chỉ ra, các nhà đầu tư đã rót số vốn kỷ lục 12,7 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu và quỹ đầu tư chứng khoán tại các thị trường mới nổi trong một tuần tính đến ngày 18/1. Ngoài ra, số vốn đầu tư vào các quỹ trái phiếu là 14,4 tỷ USD, chứng khoán là 7,5 tỷ USD, tiền mặt là 0,6 tỷ USD và vàng là 0,6 tỷ USD. Việc Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách đã thúc đẩy giá của nhiều loại tài sản, từ hàng hóa và cổ phiếu khai khoáng, đến các đồng tiền cũng như các thị trường chứng khoán ở các điểm đến ưa thích của du khách.
Ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp cho biết vào ngày 16/2 rằng, dòng vốn chảy vào Trung Quốc sẽ tiếp tục trong khi đồng đô la Mỹ suy yếu, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Đồng Nhân dân tệ đã tăng khoảng 2% so với đô la Mỹ trong tháng 1.
“Năm 2023 sẽ là năm của Trung Quốc, với việc Trung Quốc đóng góp từ 30 - 50% vào tăng trưởng toàn cầu. Phần còn lại của châu Á sẽ chậm lại nhưng vẫn đóng góp lớn so với phương Tây. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là “bữa tiệc” có thể sẽ kết thúc khi năm 2023 kết thúc và thách thức ở năm 2024 bắt đầu rõ ràng hơn. Trung Quốc sẽ khó tăng trưởng trên 4,5% vào năm 2024 và có thể tiếp tục giảm tốc hơn nữa trong tương lai”, Natixis nói.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF) tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc lên 5,2%, do quốc gia này mở cửa trở lại hoàn toàn sau khi đột ngột từ bỏ quy định zero Covid vào tháng 12. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không đạt được kỳ vọng vào năm ngoái khi chỉ tăng trưởng 3%. Điều này đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 40 năm, GDP của Trung Quốc không đạt được mức trung bình toàn cầu, khoảng 3,4% cho năm 2022.
Tâm lý tích cực trở lại
Có thể thấy, việc kết thúc các biện pháp kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc đang tạo ra một làn sóng hoạt động kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho toàn cầu.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng trước, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nhận xét, việc mở cửa này có thể là yếu tố quan trọng nhất cho tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn được dự đoán sẽ duy trì mạnh hơn đáng kể so với các nước phát triển.
Ông David Chao, chiến lược gia khu vực Châu Á -Thái Bình Dương tại Invesco đánh giá, những lo ngại về rủi ro pháp lý - nguyên nhân góp phần khiến tâm lý thị trường Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng từ cuối năm 2020 phần lớn đã giảm bớt. Các mục tiêu của các quy định phù hợp với “sự thịnh vượng chung” đã trở nên tập trung hơn gồm: Quản lý rủi ro tốt hơn trong các công ty dịch vụ tài chính; Bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ hơn, tránh các công ty độc quyền công nghệ lớn; Cải thiện điều kiện của người lao động và cả chống biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của sự thịnh vượng chung không bao giờ là xua đuổi các nhà đầu tư nước ngoài hoặc làm suy yếu nền kinh tế thị trường, mà phải đảm bảo tăng trưởng chất lượng cao thông qua giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc.
Vậy vấn đề đặt ra là giai đoạn tiếp theo này là gì? Vị chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương và lớn thứ hai về GDP danh nghĩa. Những nỗ lực này phải được tiếp tục để Trung Quốc có thể cải thiện GDP bình quân đầu người, vốn ở mức khoảng 12.000 USD, vẫn thấp hơn nhiều so với các nước ngang hàng trên toàn cầu. Ngoài ra, các hạn chế về khả năng chuyển đổi tài khoản vốn - quyền của người cư trú và người không cư trú được tự do giao dịch tiền tệ và tài sản với nhau theo ý muốn vẫn còn phổ biến.
“Những đặc điểm này làm cho Trung Quốc trở thành một thị trường mới nổi trong phân tích kinh tế truyền thống. Nhưng chưa bao giờ một thị trường mới nổi lại có ảnh hưởng lớn như vậy trong nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc tuyên bố những ưu điểm rất ấn tượng như: là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, thị trường trái phiếu lớn thứ hai và thị trường chứng khoán quốc gia lớn thứ hai.
Trung Quốc dường như bị thiếu cân nặng trong các chỉ số toàn cầu, nhưng lại thừa cân đáng kể trong các chỉ số của thị trường mới nổi. Nó chiếm khoảng 10% vốn hóa thị trường vốn cổ phần toàn cầu, nhưng chưa đến 4% trong Chỉ số MSCI và Chỉ số Toàn cầu FTSE. Ngược lại, quốc gia này áp đảo các tiêu chuẩn thị trường mới nổi, vào cuối tháng trước, nó chiếm 33,49% trong Chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI”, ông David Chao phân tích.
Cũng theo vị chiến lược gia, các thị trường mới nổi luôn là một nhóm không đồng nhất, nhưng họ có chung các đặc điểm kinh tế vĩ mô quan trọng. Nền kinh tế nói chung không hiệu quả như ở các thị trường phát triển và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều. Thị trường tài chính cũng có xu hướng vốn hóa thấp hơn với tính thanh khoản kém hơn và sự đa dạng của các tổ chức phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Đáng chú ý, thị trường này bị chi phối đáng kể bởi chu kỳ kinh tế toàn cầu, ngay cả những chu kỳ kinh tế có thặng dư thương mại với bên ngoài, trong đó giá trị xuất khẩu vượt quá giá trị nhập khẩu. Vì vậy, họ có xu hướng được hưởng lợi khi tăng trưởng toàn cầu tăng lên và đồng đô la Mỹ yếu đi, nhưng bị ảnh hưởng khi điều kiện tài chính thắt chặt, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đồng USD mạnh lên.
Sang năm 2023, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính sẽ vẫn phụ thuộc vào động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hiện nay thông điệp từ Fed đã mang tính ôn hòa hơn và tốc độ của việc Trung Quốc mở cửa. Điểm tích cực về triển vọng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu trong năm 2023 là chu kỳ chứng khoán thường đi trước chu kỳ kinh tế và thời điểm này vẫn đang được đánh giá là giai đoạn tốt để giải ngân.