A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Còn dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II/2023

Việt Nam hoàn toàn có đủ dư địa để giảm lãi suất, hạn chế yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là một trong những nội dung chính được nhiều chuyên gia đề cập và phân tích tại toạ đàm “Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.

Vượt quá ngưỡng cầm cự

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh cho biết: lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và neo cao đến tháng 2/2023. Chi phí lãi vay đã chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam năm 2022, trong khi đó lãi suất cho vay tại Trung Quốc giảm nhanh sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID - 19 đã giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.

Môi trường lãi suất cao ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, không chỉ suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà nhu cầu khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp không cao. Nhận định này được thể hiện rõ qua một số chỉ số: giảm doanh nghiệp thành lập mới, tăng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: lãi suất cho vay tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn (ảnh: H.L)

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Lãi suất cho vay tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn (ảnh: H.L)

Theo Tổng cục Thống kê, quý 1 năm 2023 là lần đầu tiên trong các quý 1 từ trước tới nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Trên thị trường vốn, tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023 do cầu yếu và lãi suất vẫn cao, không chỉ dừng ở mức 10 - 12% mà thực tế còn cao hơn. Huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây.

Trong khi doanh nghiệp cạn tiền, tiền nhàn rỗi trong dân không đưa vào thị trường vốn mà đưa vào ngân hàng cho thấy cảm nhận rủi ro đầu tư tăng lên, làm giảm nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Hơn nữa, tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.

“Lãi suất cao khuyến khích người có tiền nhàn rỗi đầu tư vào tài sản an toàn có lợi nhuận cao hơn là tài sản rủi ro. Nhu cầu khởi nghiệp không có nhiều bởi đầu tư khởi nghiệp thì rủi ro và lấy đâu ra vốn để phát triển doanh nghiệp” - chuyên gia Nguyễn Tú Anh cho hay.

Còn dư địa giảm lãi suất, gỡ khó cho doanh nghiệp

Đề cập đến nội dung này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh: Việt Nam hoàn toàn có đủ dư địa để giảm lãi suất, hạn chế yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, từ năm 2011-2020 Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn. Trong các năm 2021 và 2022 do phải chi phí nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch nên cán cân vãng lai bị âm. Về dài hạn, Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và là nước xuất khẩu vốn. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

Hạ lãi suất vẫn đang là kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp

Hạ lãi suất vẫn đang là kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp

Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền thấp trong khi nhu cầu vốn lớn. Một số tổ chức tín dụng yếu kém, cạnh tranh thiếu lành mạnh đẩy lãi suất tăng cao để huy động vốn, vô hình chung đã đẩy mặt bằng lãi suất chung tăng.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nếu dung hoà được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II/2023.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lạm phát trong nước giảm dần trong khi áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất của thế giới đang giảm xuống và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm ngoái. Thanh khoản ngân hàng năm nay tốt hơn so với quý IV/2022, đến hết 4 tháng, tín dụng tăng trưởng 3,05%, huy động vốn tăng 1,5% có nghĩa là tiền dân cư vẫn đang vào ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước mua dự trữ ngoại hối và “bơm” tiền vào nền kinh tế lớn, nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và nợ đọng vốn của doanh nghiệp giảm xuống, vòng quay tiền nhanh hơn, cung tiền tăng lên ở mức 10% cao hơn so với năm ngoái là 6,2%.

Khẳng định có đủ dư địa để giảm lãi suất nhưng TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ: lãi suất không phải là tất cả mà song song với đó, cũng rất quan trọng là nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, hoá giải “căn bệnh” sợ trách nhiệm, sợ rủi ro - điểm nghẽn của nền kinh tế và phát triển doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết