A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần bổ sung ưu đãi tài chính cho khu công nghiệp sinh thái

Việc phát triển khu công nghiệp sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Để thúc đẩy quá trình này, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất… là rất cần thiết.

Đến năm 2030, 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái

Tại hội thảo Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam - Chính sách và giải pháp thực hiện, diễn ra sáng 15/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2020.

Các cơ chế, chính sách mới ban hành, phê duyệt gần gây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó quy định về mô hình khu công nghiệp sinh thái; Đề án phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và KHHĐ TTXQG giai đoạn 2021-2030…) đã thể hiện khát vọng của Việt Nam hướng tới một quốc gia phát triển bền vững.

Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được ghi nhận vai trò to lớn trong các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, trong đó có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế.

Do vậy, “việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu.

Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng. Qua đó, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Nhấn mạnh cam kết từ Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% - 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.

Cần bổ sung ưu đãi tài chính cho khu công nghiệp sinh thái - Ảnh 1

 

Chỉ phát huy đúng vai trò khi nhân rộng trên cả nước

72 doanh nghiệp tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm nhờ cắt giảm năng lượng, vật liệu

Từ năm 2015 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Sau 4 năm triển khai Dự án, 72 doanh nghiệp tham gia Chương trình đã áp dụng hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm thông qua việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ, các tài nguyên, vật liệu.

Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng trên phạm vi cả nước trong giai đoạn tới.

Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững cho từng khu này, cho từng địa phương và cả nền kinh tế. Lợi ích này là to lớn và lâu dài, nhưng trong ngắn hạn, nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi.

Thực tế bước đầu cho thấy, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.

“Đặc biệt, chuyển dịch khu công nghiệp theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật thực sự từ các đối tác phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Theo ông Werner Bardill - Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. “Ở cấp độ khu công nghiệp và doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới", ông nói.

Từ góc nhìn của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), bà Lê Thị Thanh Thảo đánh giá cao định hướng và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển khu công nghiệp sinh thái theo định hướng phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Bà chỉ rõ, định hướng của Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, trong đó có thể nói mô hình khu công nghiệp sinh thái là một minh chứng cụ thể cho những định hướng chính sách đúng đắn này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan