Bình Dương: Thúc đẩy tăng trưởng xanh hóa nền kinh tế
Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ tập trung phát triển kinh tế xanh hóa nền kinh tế với sản xuất, tiêu dùng, giao thông, hạ tầng, đô thị, nông thôn xanh…nhờ vào khoa học và công nghệ. Với việc áp dụng xu hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đã giúp tạo dựng nền kinh tế hài hòa giữa con người, tự nhiên và xã hội.
Nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt mục tiêu đột phá trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương luôn chú trọng đến phát triển xanh hóa nền kinh tế, tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ xanh trong sản xuất, tiêu dùng và quản lý tài nguyên để giảm thiểu ô nhiễm và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Điều này góp phần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch để nâng cao hiệu suất sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đang thúc đẩy phát triển sản xuất xanh bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch trong quá trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xanh, nhằm tạo ra một nền kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tỉnh tích cực tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về lối sống tiêu dùng bền vững; khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm và dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên; lan tỏa truyền thông và giáo dục được triển khai để thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên những sản phẩm có nguồn gốc bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại địa phương.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng bền vững, đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một đô thị xanh, hiện đại.
Bình Dương sẽ tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh… nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ. |
Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương phát triển theo quan điểm liên kết phát triển với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ để xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động, trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Trong đó, quy hoạch đã nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển cho tỉnh Bình Dương; trong đó có phát triển Bình Dương xanh, phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh… nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, qua đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.
Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh đẹp và hấp dẫn trở thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Bình Dương; quan tâm đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, tái chế rác và xử lý nước thải…
Những nỗ lực của Bình Dương trong tăng trưởng xanh
Hiện nay, Bình Dương đã và đang triển khai những kế hoạch và hành động không chỉ hướng tới phát triển bền vững mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất, tiêu dùng và quản lý tài nguyên nhằm giảm ô nhiễm và tiết kiệm năng lượng hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững.
Song song đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái tạo và giảm thiểu chất thải; đẩy mạnh tuyên truyền tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng về lối sống tiêu dùng bền vững, khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Bình Dương chú trọng xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại và tiết kiệm năng lượng, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; tăng cường giám sát và xử lý ô nhiễm, áp dụng công nghệ tái chế và quản lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn; tạo ra không gian sống thân thiện với môi trường, tăng cường mảng xanh công cộng và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Khu công nghiệp VSIP là mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ phát triển hạ tầng xanh mang đến không gian xanh cho đô thị tỉnh Bình Dương |
Để thực hiện định hướng theo Quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng đã nhấn mạnh chỉ đạo, Bình Dương cần chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, cần tăng tính kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế, kết nối giao thông xanh, số hoá, đối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu…
Thứ hai, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trẻ, kinh tế tri thức, đặc biệt là số hoá và xanh hoá nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững
Thứ ba, chủ động tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới số, xanh tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, đồng thời chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, đối với Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương phải phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Cùng với đó, tỉnh khởi động việc thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Dương, với những công trình trọng điểm ban đầu trên tất cả các lĩnh vực giao thông nội Tỉnh liên kết vùng, Khoa học Công nghệ Đổi mới Sáng tạo, Thương mại Dịch vụ kết nối toàn cầu như: Vòng xoay A1, KCN Cây Trường,... Các công trình trọng điểm khởi đầu này sẽ tạo động lực và sự cộng hưởng, thúc đẩy các mảng chiến lược lớn của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, tỉnh luôn đặt ra nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường và thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng; qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.