10 sự kiện kinh tế nổi bật 2019
Năm 2019 đã qua đi và dưới đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm, theo bình chọn của Thời báo Ngân hàng.
Fed bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất
Vào ngày 31/7/2019, Fed đã có quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 bùng phát. Lần gần nhất trước đó Fed giảm lãi suất đã cách đây hơn một thập kỷ, đó là vào năm 2008, khi lãi suất được hạ về mức 0,25%, chỉ còn “mang tính tượng trưng” nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ giữa tâm bão khủng hoảng tài chính. Dù không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào nhưng với việc Fed giảm lãi suất liên tục trong 3 cuộc họp chính sách vừa qua, nhiều phân tích cho rằng Fed đang đi vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh thị trường lao động gần như toàn dụng và lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu đặt ra, nhưng kinh tế Mỹ đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất định từ bối cảnh đi xuống chung của kinh tế và thương mại toàn cầu, và đặc biệt là từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang dai dẳng, bất định.
Biểu đồ Dot Plot mới nhất dự đoán về lãi suất của các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed |
Động thái nới lỏng của Fed cũng khiến làn sóng nới lỏng tiền tệ nhanh chóng lan ra trên toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 8-10/2019 dù có vẻ chững lại từ tháng 11 sau khi Fed đưa ra thông điệp rõ ràng hơn về khả năng giữ lãi suất ở mức hiện tại. Trong thời gian tới, nếu các diễn biến thực tế cũng như những dự báo (về khả năng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm) không có điều chỉnh theo hướng sáng sủa hơn, nhiều khả năng các NHTW trên thế giới sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đà cắt giảm dự báo sẽ chậm lại do trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2019 (kết thúc vào ngày 11/12 vừa qua), Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất và báo hiệu có thể duy trì đến năm 2020.
Nhiều định chế tài chính lớn thay đổi lãnh đạo
Năm 2019 chứng kiến sự thay đổi hàng ngũ lãnh đạo ở hầu hết các định chế tài chính quốc tế lớn. Mở đầu là tại WB, ông David Malpass - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế - đã được Ban điều hành WB nhất trí phê chuẩn vào vị trí Chủ tịch WB. Ông Malpass, 63 tuổi, là Chủ tịch thứ 13 của WB, với nhiệm kỳ 5 năm bắt đầu từ 9/4/2019.
Tân Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva |
Tiếp đó, Ban điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua đề cử Giám đốc điều hành WB - bà Kristalina Georgieva - vào cương vị Tổng giám đốc mới của thể chế tài chính gồm 189 nước thành viên này. Nhiệm kỳ của bà Georgieva tại IMF có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/10/2019.
Trong khi đó cựu Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch mới của NHTW châu Âu (ECB), bắt đầu từ ngày 1/11/2019, thay thế ông Mario Draghi. Bà Lagarde, 63 tuổi, từng là Bộ trưởng Kinh tế Pháp trước khi trở thành Tổng giám đốc IMF giai đoạn 2011-2019.
Mới nhất là diễn biến thay đổi nhân sự cấp cao nhất tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo đó, Hội đồng Thống đốc ADB vừa nhất trí bầu ông Masatsugu Asakawa giữ vị trí Chủ tịch ADB. Ông Asakawa, 61 tuổi, hiện là Cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, sẽ nhậm chức Chủ tịch thứ 10 của ADB vào ngày 17/1/2020, thay thế ông Takehiko Nakao, người sẽ dời nhiệm sở vào ngày 16/1/2020.
Tiền kỹ thuật số Libra của Facebook
Một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn trong lĩnh vực tài chính trong năm qua là việc Facebook, vào ngày 18/6, đã thông báo kế hoạch sẽ phát hành đồng tiền mã hóa có tên Libra trong năm 2020. Với mục đích tạo ra một hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu đơn giản, chi phí thấp, dễ tiếp cận, sử dụng cho hàng tỷ người và mức độ biến động/rủi ro thấp (do gắn với tài sản đảm bảo thực), Facebook khẳng định đồng Libra khác biệt với các loại tiền kỹ thuật số khác. Tuy nhiên sự thừa nhận với đồng tiền này thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Về mặt quản lý, tham vọng đưa Libra trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới sẽ không dễ dàng bởi cho đến nay, chưa có nhiều quốc gia chấp nhận tiền kỹ thuật số như một phương tiện thanh toán hợp pháp, thậm chí còn bị cấm. Các quy định pháp lý áp dụng cho tiền kỹ thuật số nhìn chung chưa đầy đủ, kể cả ở những quốc gia đã cho phép giao dịch. Vì vậy, ngay từ khi đồng Libra mới manh nha trong kế hoạch đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nhà lập pháp và lãnh đạo trên thế giới, kể cả Mỹ. Lập luận chung là không thể để các đồng tiền kỹ thuật số như Libra trở thành một loại tiền tệ có chức năng tương tự như tiền tệ do NHTW phát hành, cùng với đó là những tác động chưa lường trước hết được đến hệ thống thanh toán, lượng cung tiền, phân vai trong trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý rủi ro hệ thống, rủi ro lan truyền… nếu sự cố xảy ra.
Giá dầu không bất định như kỳ vọng
Diễn biến giá dầu Brent năm 2019 |
Việc giá dầu mỏ năm 2018 luôn duy trì xu hướng tăng cao trong phần lớn cả năm, đạt đỉnh vào đầu tháng 10 khi giá dầu thô Brent chạm mức 86 USD/thùng, nhưng lại nhanh chóng giảm rất mạnh xuống chỉ còn quanh 50 USD/thùng vào cuối năm cho thấy sự bất định lớn, dẫn đến đa số dự báo đều cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục bất định trong năm 2019 và thậm chí một số dự báo còn cho rằng có thể chạm mốc 100 USD/thùng. Tuy nhiên, trái với hầu hết dự báo, giá dầu chỉ phục hồi tương đối mạnh trở lại trong khoảng 5 tháng đầu năm (giá dầu Brent lên mức cao nhất trên 70 USD/thùng), sau đó quay đầu giảm và duy trì khá ổn định ở mức trên 60 USD/thùng trong phần còn lại của năm.
Với xu hướng ổn định được duy trì trong hơn 6 tháng vừa qua, bắt đầu xuất hiện các dự báo cho rằng giá dầu sẽ ổn định trong năm 2020. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu Brent sẽ dừng ở mức trung bình 63,93 USD/thùng trong năm 2019 và giảm nhẹ xuống 60,51 USD/thùng năm 2020. Trong khi đó, OECD dự báo ở các mức tương ứng là 63,38 USD/thùng và 60 USD/thùng.
Giá vàng chạm đỉnh 6 năm
Giá vàng có thể lập mức cao kỷ lục mới trong năm 2020 |
Năm 2019 cũng ghi nhận sự biến động khá mạnh của giá vàng, song xu hướng tăng vẫn là chủ yếu. Các vòng thuế quan liên tục được Mỹ và Trung Quốc áp đặt cho nhau được xem là nguyên nhân chính gây ra biến động của giá vàng trong năm vừa qua. Ngoài ra, các yếu tố khác như lo ngại về suy thoái toàn cầu, căng thẳng ở Trung Đông, nhận định của IMF cho rằng đồng USD hiện đang bị định giá cao hơn khoảng 6-12% so với giá trị thực… cũng là những yếu tố hỗ trợ giá vàng. Theo đó, trong năm qua, giá vàng liên tục lập đỉnh mới và đã có thời điểm đạt mức 1.550,5 USD/ounce (vào ngày 3/9/2019) – đỉnh cao nhất trong hơn 6 năm qua.
Vì Brexit, thêm một đời Thủ tướng Anh mất ghế
Năm 2016, bà Theresa May nhậm chức Thủ tướng với mục tiêu dẫn dắt Anh rời khỏi EU một cách êm thấm. Tháng 11/2018, chính phủ của bà Theresa May ký thỏa thuận Brexit với EU, đưa ra các điều khoản về sự ra đi của Anh và thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp gần hai năm để hai bên xây dựng mối quan hệ trong tương lai. Thỏa thuận này ngay lập tức bị Quốc hội Anh phản đối. Nhiều nghị sĩ cho rằng thỏa thuận này cũng đồng nghĩa với Anh phải nhượng bộ EU quá nhiều. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ thân EU lại muốn có một Brexit nhẹ nhàng hơn, sao cho vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Khối này. Kết quả là thỏa thuận Brexit của bà May đã bị Quốc hội Anh bác bỏ vào tháng 1/2019 và tiếp tục thất bại thêm hai lần nữa khi bà cố gắng trình ra thông qua.
Bà Theresa May từ chức Thủ tướng Anh |
Một trong những nỗ lực cuối cùng của bà May là gợi ý để Quốc hội Anh biểu quyết xem có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc đi hay ở EU, song động thái này chính là “giọt nước tràn ly” và các áp lực liên tiếp được tạo ra với chiếc ghế Thủ tướng của bà. Cuối cùng, vào ngày 24/5, bà đã thông báo kế hoạch sẽ từ chức sau gần ba năm cầm quyền trong lúc Brexit vẫn đang dang dở. Trước đó, Brexit cũng là nguyên nhân khiến cựu Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức, “xách vali” rời nhiệm sở ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU được công bố.
Nắm quyền tiếp sau bà May, Thủ tướng Boris Johnson – một chính trị gia lão luyện và là một trong những người dẫn đầu phong trào Brexit - cũng lại đang phải đau đầu với Brexit. Tuy nhiên, một điểm thuận cho ông Johnson là cuộc tổng quyển cử ngày 12/12 vừa qua, đảng Bảo thủ của ông đã giành được thắng lợi lịch sử với 362/650 ghế trong hạ viện. Với kết quả này, giới phân tích cho rằng sẽ có cơ sở thuận lợi để Brexit diễn ra êm thấm đúng hạn vào 31/1/2020.
Boeing 737 MAX dừng khai thác
Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra với một chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019 (tiếp sau vụ tai nạn nghiêm trọng của hãng hàng không Lion Air vào tháng 10/2018 với cùng lỗi tương tự từ Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay) đã khiến Boeing 737 MAX bị cấm bay trên diện rộng.
Boeing 737 MAX chỉ có thể khai thác thương mại trở lại từ đầu năm 2020 |
Các vụ tai nạn liên hoàn không chỉ khiến dòng Boeing 737 MAX mà các hãng hàng không đã sở hữu phải dừng bay mà còn khiến nhiều đơn hàng mua dòng máy bay thân hẹp vốn được bán chạy nhất này bị hoãn, hủy và tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của Boeing, cũng như tác động không nhỏ đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không đã, đang và có dự định sẽ sở hữu 737 MAX. Sau khi 737 MAX bị cấm bay trên toàn cầu, Boeing đã hoãn giao dòng máy bay này và cắt giảm sản xuất 20% xuống chỉ còn 42 chiếc mỗi tháng.
Hiện giới chức các nước trên khắp thế giới vẫn đang trong quá trình đánh giá 737 MAX. Trong khi đó, Boeing kỳ vọng sẽ được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép trở lại cho 737 MAX vào cuối năm 2019 để dòng máy bay này có thể khai thác trở lại trong đầu năm 2020. Tuy nhiên, tại phiên điều trần trước Hạ viện ngày 11/12, người đứng đầu FAA - ông Steve Dickson – đã khẳng định, Boeing 737 MAX chưa thể được cấp phép “tái bay” trong năm 2019. Hiện cơ quan này vẫn đang điều tra các vấn đề sản xuất và còn một loạt các bước phải hoàn thành trước khi 737 MAX có thể được phê duyệt khai thác thương mại trở lại.
Lo kinh tế giảm tốc, Nhật Bản tung gói kích cầu mới
Vào đầu tháng 12/2019, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố gói kích thích tài khóa 13,2 nghìn tỷ Yên, tương đương gần 121 tỷ USD, nhằm tập trung vào khắc phục thảm họa thiên tai, nâng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ để vượt qua nguy cơ kinh tế giảm tốc. Các thông tin cho biết, gói kích cầu này dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian 15 tháng. Dù có quy mô nhỏ hơn gói kích thích 28.000 tỷ Yên năm 2016 nhưng đây vẫn là một trong những gói chi tiêu mạnh nhất của Nhật Bản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Thủ tướng Shinzo Abe công bố gói kích thích tài khóa mới |
Gói kích thích này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế trong nước do tác động của kinh tế và thương mại toàn cầu suy yếu, đợt tăng thuế tiêu thụ gần đây và rủi ro suy giảm tăng trưởng sâu hơn sau Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 mà nước này đăng cai. Kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 7 năm liên tiếp dưới thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Abe nhưng mức tăng trưởng vẫn khá yếu ớt. Gói kích cầu lần này vì thế được xem như một sự thừa nhận rằng nền kinh tế vẫn đang ở trong trạng thái dễ tổn thương. Tuy nhiên, động thái này của Nhật Bản cũng phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới khi đang chuyển sang nới lỏng tài khóa và tiền tệ để ứng phó với nguy cơ suy giảm.
Đồng NDT vượt qua “lằn ranh đỏ”
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đã khiến Nhân dân tệ (NDT) liên tục trong xu hướng giảm giá so với đồng USD. Đặc biệt, đồng NDT đã có những phiên giảm mạnh trong tháng 8/2019, vượt qua “lằn ranh đỏ” 7 NDT/USD và có thời điểm xuống mức thấp nhất 11 năm kể từ năm 2008. Đà suy yếu của NDT cũng là yếu tố thúc đẩy Mỹ gắn nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc.
Trong những tháng trở lại đây, mặc dù đồng NDT đã có sự phục hồi nhất định nhưng phần lớn vẫn nằm ở mức trên 7 NDT/USD. Nhiều cảnh báo cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, áp lực gia tăng về nhu cầu hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu cùng với những diễn biến khác gần đây (như vấn đề Hồng Kông, Tân Cương…) sẽ khiến tỷ giá NDT/USD tiếp tục xu hướng giảm, và có thể sẽ dao động trong khoảng từ 7- 7,4 NDT/USD trong năm 2020.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết
Năm 2019 chứng kiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang với những đợt áp thuế từ Mỹ và trả đũa liên tiếp từ Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn ngày càng thêm nóng với việc Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, mở đường cho việc tăng thuế lên 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và áp tiếp thuế quan 15% lên 112 tỷ USD hàng hóa khác chưa phải chịu thuế. Chưa dừng lại ở đó, Mỹ còn lên kế hoạch áp thuế với 160 tỷ USD với lượng hàng hóa còn lại của Trung Quốc vào ngày 15/12.
Tuy nhiên thị trường thở phào vào ngày 12/12, khi các hãng truyền thông đưa tin hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. Tổng thống Mỹ sau đó ít giờ “lên” Twitter cho biết: “Chúng tôi đã đồng thuận thỏa thuận giai đoạn 1 rất lớn với Trung Quốc. Họ đồng ý với nhiều thay đổi về cấu trúc và mua số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, sản xuất cùng nhiều thứ khác… Mức thuế dự kiến có hiệu lực ngày 15/12 sẽ không được thi hành do chúng tôi đã đạt được thỏa thuận”.
Theo thỏa thuận, chính quyền Trump bỏ kế hoạch áp thuế mới đối với 160 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 15/12, đồng thời đồng ý giảm thuế nhập khẩu hiện tại đối với khoảng 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%. Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua 40 tỷ USD/năm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong hai năm; cam kết chấm dứt gây áp lực để các công ty phải bàn giao công nghệ của họ như điều kiện để tiếp cận thị trường Trung Quốc; dỡ bỏ một số rào cản thị trường đối với các sản phẩm như thịt bò, thịt gia cầm, hải sản, thức ăn chăn nuôi… Thỏa thuận có thể sẽ được ký vào tuần đầu tiên của tháng 1/2020 và có hiệu lực sau 30 ngày.
Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận này thực tế mang lại ít kết quả hơn kỳ vọng và phía trước vẫn còn một chặng đường dài để có thể đảo ngược được vòng xoáy đi xuống trong quan hệ thương mại song phương cũng như gia tăng sự chắc chắn cho các doanh nghiệp Mỹ. Do đó, các vòng đàm phán tiếp theo là cần thiết để đạt được một thỏa thuận đáng kể hơn. Tổng thống Donald Trump cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán về thỏa thuận giai đoạn hai ngay lập tức thay vì chờ đến sau cuộc bầu cử năm 2020".
Hồng Quân