Điểm chuẩn đại học dự báo sẽ giảm
Phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cho thấy sự phân hóa mạnh ở hầu hết các môn, điểm trung bình nhiều môn giảm sâu. Các chuyên gia nhận định, điểm chuẩn đại học sẽ biến động đáng kể, nhiều ngành có thể giảm từ 2-3 điểm so với năm ngoái, đặc biệt ở các tổ hợp có môn Toán và Tiếng Anh.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn
Thí sinh nên rải đều các nguyện vọng

Theo các chuyên gia, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có tính phân hóa tốt, thể hiện ở việc phổ điểm các môn thi đều hơn, không còn lệch phải như những năm trước.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT đánh giá, năm nay, phổ điểm của môn Toán, môn Tiếng Anh, ngay cả các môn khác như Hóa học, môn Sinh học đều có sự di chuyển” và cho rằng, với kết quả này, các trường đại học có nguồn tuyển chất lượng, có sự phân đoạn và đảm bảo được tính hài hòa, tự nhiên, hợp lý.
Thầy Đinh Đức Hiền - Giám đốc điều hành Trường phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang - lại cho rằng, điểm chuẩn năm nay sẽ khó dự đoán hơn các năm trước do các phương thức xét tuyển sẽ được quy về cùng một hệ quy chiếu 30 điểm. Do đó, các trường đại học cũng phải tính toán rất kỹ tỉ lệ ảo, tỉ lệ trúng tuyển ở các phương thức.
“Các thí sinh cũng cần thận trọng trong việc đặt các nguyện vọng, rải đều các nguyện vọng khác nhau, bước nhảy giữa các nguyện vọng hợp lý để tăng khả năng đỗ” - thầy Hiền lưu ý tới thí sinh.
Lý thuyết và thực tế luôn có sự vênh, sau khi có phổ điểm chúng ta cần phân tích một cách chính xác nhất hiệu quả triển khai của chương trình GDPT 2018, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô, mỗi học sinh đều cần phải nhìn lại những gì mình đang làm và sắp làm” - thầy Hiền nói.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), điểm chuẩn đại học năm nay dự kiến sẽ giảm do đề thi phân hóa tốt, điểm trung bình các môn thấp hơn, tỉ lệ điểm giỏi giảm mạnh.
Với các tổ hợp có Ngữ văn, Địa lý, mức giảm không đáng kể, nhưng ở các tổ hợp có Toán và tiếng Anh, điểm chuẩn có thể giảm từ 2-3 điểm tùy ngành.
Cần tiếp tục điều chỉnh phương pháp dạy và học
Về phía cơ sở giáo dục, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho hay, dạng đề thi mới buộc học sinh phải có kiến thức thật mới giải được, không thể học mẹo hay tính ngược như trước. Đề tiếng Anh dù dài nhưng hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An nhìn nhận, phổ điểm là căn cứ giúp Nghệ An đánh giá lại từng môn, điều chỉnh cách dạy, tăng cường giải quyết vấn đề và ứng dụng thực tế để hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, kỳ thi năm nay còn một số điểm hạn chế, chẳng hạn việc thí sinh “sốc” vì đề thi có sự phân hóa, đặc biệt là môn Toán, Tiếng Anh. Điều này cũng đã được các chuyên gia dự đoán từ khi Bộ công bố đề minh họa các môn thi.
“Đề Toán năm nay là sự cảnh tỉnh để biết phải học thật, nắm được thực chất” - ông Đức nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến nghị, các trường đại học cần có phương án tuyển sinh ổn định để không gây khó khăn cho thí sinh.
Điểm sáng từ các địa phương và vùng khó khăn
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhận định, phổ điểm năm nay thú vị, bất ngờ và cho thấy hiệu quả bước đầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông khẳng định, mục tiêu của việc đổi mới không chỉ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT mà là toàn bộ quá trình dạy học ở bậc phổ thông. Hướng thay đổi là hướng đến phát triển năng lực. Nếu người học có năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, sẽ không phải học nhiều về mẹo, đánh đố để thi điểm cao.
“Đề thi năm nay cho thấy học sinh ở cả An Giang hay Điện Biên vẫn có thể đạt điểm 10 - điều rất đáng suy nghĩ” - ông Sơn nói.
TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT - cũng ghi nhận sự vươn lên rõ rệt của các địa phương như Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang. Theo ông, kết quả này cho thấy khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng miền đang thu hẹp, học sinh được tiếp cận cơ hội học tập bình đẳng hơn.
Cần đổi mới tư duy chỉ đánh giá học sinh dựa trên điểm số

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, cần dần thay đổi tư duy đánh giá học sinh chỉ dựa trên điểm số. Dù điểm thi là chỉ số quan trọng, nhưng không thể là thước đo duy nhất.
Ông cho rằng, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước đầu hiệu quả. Học sinh thích ứng nhanh với hình thức thi mới, giáo viên đổi mới phương pháp, chú trọng rèn luyện phẩm chất, năng lực thay vì chỉ truyền thụ kiến thức.