VinSpeed tuyển dụng hàng loạt vị trí cho các dự án đường sắt cao tốc
VinSpeed đang đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân sự để triển khai dự án đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh. Với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, công ty đang chờ quyết định phê duyệt chủ đầu tư từ phía Chính phủ.
(Ảnh minh hoạ)
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed (VinSpeed) đã chính thức khởi động đợt tuyển dụng nhân sự quy mô lớn đầu tiên kể từ khi thành lập. Động thái này báo hiệu việc doanh nghiệp bắt đầu triển khai các hoạt động chuyên môn, chuẩn bị nguồn lực cho các mục tiêu đầy tham vọng trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt tại Việt Nam.
Các vị trí được công bố tuyển dụng tập trung vào khối kỹ thuật, công nghệ, quản lý dự án và pháp lý. Theo đó, các chức danh quan trọng đang được tìm kiếm bao gồm Kỹ sư BIM Cấp Cao, Trưởng Phòng BIM, Chuyên viên Cấp cao Chuyển giao Công nghệ, Trưởng Phòng Công nghệ - Railway, Kỹ sư Xây dựng Cấp cao cho công trình Hầm/Cầu, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Trưởng phòng Quản lý Dự án và Chuyên viên Pháp lý Cao cấp. Toàn bộ nhân sự sẽ làm việc tại trụ sở chính của công ty ở quận Long Biên, Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện VinSpeed cho biết công ty đang quyết liệt và đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân sự để triển khai dự án đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh. Với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, công ty đang chờ quyết định phê duyệt chủ đầu tư từ phía Chính phủ.
Dự án đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh - Cần Giờ dài khoảng 48,7km, thiết kế tốc độ tối đa 350km/h, đầu tư theo hình thức trực tiếp. Bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7 cũ), tuyến đi qua Nhà Bè, vượt sông Soài Rạp, điểm cuối tại Long Hòa, kết nối trực tiếp với đô thị lấn biển Cần Giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD, Vingroup đã được TP. Hồ Chí Minh giao nghiên cứu và lập đề xuất dự án, dự kiến vận hành và hoàn tất vào giai đoạn 2025 - 2028.
Dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh dài khoảng 121km, với tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến khai thác vào năm 2028. Điểm đầu tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, điểm cuối tại Đại Yên, Hạ Long; gồm 4 - 5 ga. Mức đầu tư dự kiến khoảng 5,4 tỷ USD và quy hoạch hoàn thành vào khoảng năm 2030.
Động thái nhân sự này diễn ra trong bối cảnh VinSpeed liên tục được củng cố về nguồn lực tài chính. Mới đây, ngày 27/6, công ty thông báo đã nhận chuyển nhượng 87,56 triệu cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (mã VIC) từ ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Trước đó vào ngày 10/6/2025, ông Vượng cũng đã chuyển giao 48 triệu cổ phiếu VIC cho VinSpeed.
Tổng cộng sau hai đợt, VinSpeed đã nhận hơn 135,6 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 3,5% vốn điều lệ của Vingroup. Số cổ phần này có giá trị thị trường khoảng 12.500 tỷ đồng.
VinSpeed được thành lập vào tháng 5/2025 với vốn điều lệ ban đầu 6.000 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt. Cơ cấu cổ đông ban đầu bao gồm ông Phạm Nhật Vượng góp 51%, tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 35% và tập đoàn Vingroup sở hữu 10%. Công ty do ông Nguyễn Anh Tuấn giữ chức Tổng Giám đốc.
VinSpeed cũng đề xuất làm chủ đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư dự kiến 61 tỷ USD. VinSpeed cam kết thu xếp 20% tổng vốn đầu tư bằng nguồn lực tự có, tương đương hơn 12,27 tỷ USD và đề xuất vay 80% còn lại từ ngân sách nhà nước với điều kiện không tính lãi suất.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup cũng đang có các kế hoạch riêng cho lĩnh vực đường sắt tốc độ cao với các đề xuất xây dựng tuyến Phú Mỹ Hưng - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh.