A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao doanh nghiệp thuỷ sản khó tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn?

Bên cạnh tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận dòng vốn ưu đãi ở gói hỗ trợ lãi suất 2%, thì vay các khoản trung và dài hạn cũng đang là bài toán khó đối với doanh nghiệp ngành thuỷ sản.

Thức ăn cho cá đã tăng bình quân khoảng 20%, đã khiến đầu ra xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng khá lớn.

Thức ăn cho cá đã tăng bình quân khoảng 20%, đã khiến đầu ra xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng khá lớn.

Rào cản tiếp cận vốn trung và dài hạn

Theo ông Trần Văn Lật, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Lộc Kim Chi, điều mà doanh nghiệp cần nhất trong lúc này chính là nguồn vốn trung và dài hạn. Bởi thực chất gói hỗ trợ lãi suất 2% này là nguồn vốn ngắn hạn (vốn lưu động), cho nên nếu doanh nghiệp có vay được thì cũng rất khó để xoay sở vì thời gian vay chỉ có 06 tháng và phải tất toán hoặc đáo hạn. Chưa kể, các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sau COVID-19, và vẫn chưa thực sự khoẻ để đứng vững thì lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng do các đợt tăng giá xăng dầu từ đầu năm 2022. Áp lực này mới chỉ tạm hạ nhiệt trong thời gian gần đây – ông Lật nói.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản tại Đồng Bằng sông Cửu Long (xin không nói tên) cho biết: Nói ra thì sợ đụng chạm, song, cũng phải thừa nhận một thực tế là hiện các doanh nghiệp rất khó tiếp cận các khoản vay trung và dài hạn. Hai năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp bị tụt hạng tín nhiệm là một trong những nguyên nhân rất khó để tiếp cận các khoản vay này.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, hiện nay thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Anh... Thế nhưng, các thị trường này lại đang bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.

Nguyên nhân sụt giảm là do lạm phát tăng cao, người dân các nước đã thắt chặt chi tiêu. Một thực tế nữa là nguyên liệu đầu vào là thức ăn cho cá đã tăng đáng kể, bình quân khoảng 20%, đã khiến nhiều hộ dân bỏ nghề nuôi cá (tạm thời), khiến nguyên liệu đầu ra xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng khá lớn nếu có đơn hàng quay trở lại.

>>> “Giải cơn khát vốn” cho doanh nghiệp

Nếu ở nước ngoài, các gói trung và dài hạn thường thấp hơn ngắn hạn, thì ở Việt Nam lại ngược lại. Vay thời gian càng dài, đồng nghĩa với lãi suất càng cao, và thường thì dao động khoảng từ 3% - 4%. Chưa kể, khi đủ các điều kiện vay rồi thì room tín dụng của ngân hàng lại bị hạn chế. Và đây chính là áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng.

“Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ cho doanh nghiếp tiêp cận các gói vay ưu đãi thì Nhà nước cần đẩy tiếp tục triển khai các chính sách giãn nợ và giảm lãi suất, nhanh chóng hoàn thuế VAT, giảm hoặc giãn đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp... Đồng thời, tiếp tục thiết kế nhanh các gói hỗ trợ trung và dài hạn để cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn" – đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

Vốn lưu động, vốn gói hỗ trợ cũng không dễ vay...

Cũng theo ông Trần Văn Lật – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Lộc Kim Chi, trên thực tế ngay cả tiếp cận tín dụng ngắn hạn, bao gồm mong đợi vốn từ gói hỗ trợ 2%, thì cũng xuất hiện loạt rào cản.

Trước tiên, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 2% gặp khó khăn, một phần do nhiều doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ, hoặc có thuộc đối tượng nhưng không đủ điều kiện cho vay về dòng tiền, tài sản thế chấp… Song song đó, thì một phần cũng do một số ngân hàng có tâm lý e ngại vì sợ rắc rối liên quan đến thủ tục quyết toán hỗ trợ từ ngân sách. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều thông báo không còn hạn mức tín dụng, phải chờ tới khi được cấp thêm hạn mức là hết sức khó khăn cho doanh nghiệp – ông Lật nói.

"Doanh nghiệp chúng tôi đánh giá rất cao động thái của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi ban hành Chỉ thị số 03 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31 và Thông tư 03. Trong đó, nội dung nổi bật nhất tại văn bản này là “yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%”.

Cụ thể, trong văn bản mà Ngân hàng Nhà nước đã phát đi đã đề nghị các ngân hàng thương mại phải khẩn trương ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định. Chủ động tiếp cận, đồng hành và hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách để hạn chế tối đa các kiến nghị, khiếu nại. Đồng thời, giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, đảm bảo hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách. Và động thái này của Ngân hàng Nhà nước là rất kịp thời. 

Dù vậy, nói đi vẫn nhấn mạnh lại, ông Lật cho biết kết quả là đến nay đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, “gần như các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ này. Tiếp cận không được, vay không được thì làm gì được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%?", ông đặt câu hỏi.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan