Sớm sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trước hàng loạt các vướng mắc, bất cập đã và đang tồn tại, nhiều ý kiến kỳ vọng, Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ sớm được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Theo Bộ Tài chính, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Các luật về thuế số 71/2014/QH13 được cho đã phát sinh quá nhiều bất cập, khiến các doanh nghiệp, Hiệp hội, bộ ngành không khỏi quan ngại - Ảnh minh họa: ITN
Cụ thể, đơn vị này cho biết, ngày 18/7/2023, Bộ đã có Tờ trình Chính phủ số 152 về đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ngày 28/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Hiện nay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024),…
Nhiều ý kiến đề xuất, cần sớm sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN
Trước lộ trình đã đề ra, không ít ý kiến cho rằng, việc sửa sắc luật này cần sớm thực hiện, bởi sau hơn 8 năm thi hành, các luật về thuế số 71/2014/QH13 đã phát sinh quá nhiều bất cập, khiến các doanh nghiệp, Hiệp hội, bộ ngành không khỏi quan ngại. Đặc biệt, đối với ngành phân bón, khi áp dụng Luật thuế này, không chỉ gây ra những thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn khiến người nông dân phải “cõng” thêm giá thành phân bón từ 5-8%.
Thực tế, theo các luật về thuế số 71/2014/QH13 hiện hành, phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Vì vậy, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015. Lý do không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là nhằm giảm gánh nặng cho nông dân.
Tuy nhiên, khi luật được ban hành và áp dụng, mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được, thậm chí còn gây tác dụng ngược khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5-8% tùy loại.
Thông tin về thực trạng đã nêu, ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về các luật về thuế số 71/2014/QH13 chính thức có hiệu lực từ 01/01/2015. Qua hơn 8 năm đi vào cuộc sống, đã dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng.
Nguyên nhân là do quy định phân bón không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị,…), kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
“Hiện, các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%”, ông Đạt chia sẻ.
Đáng nói, theo TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khi những quy định của các luật về thuế số 71/2014/QH13 được áp dụng, ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm.
Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, ước tính khi thực hiện các luật về thuế số 71/2014/QH13, thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6.1%.
Được biết, sau hơn 8 năm thực hiện các luật về thuế số 71/2014/QH13, các doanh nghiệp sản xuất phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã không ít lần có kiến nghị đề nghị sửa đổi luật này trong thời gian qua.
Đồng thời, liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính, văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi các luật về thuế số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất phù hợp để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước. Tuy nhiên, cho đến nay, việc sửa đổi đối với luật này vẫn diễn ra vô cùng chậm, đặc biệt, theo đúng lộ trình đã đề ra thì những vướng mắc, tồn tại, cũng như khó khăn của các doanh nghiệp phân bón và người dân sẽ còn hiện hữu đến hơn 1 năm nữa. Do đó, thay vì lộ trình theo dự kiến, nhiều ý kiến đề xuất, cần sớm ưu tiên sửa đổi luật này.