A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ áp thuế 46%: Doanh nghiệp choáng váng, nhưng cần bình tĩnh tính toán các giải pháp phù hợp

Trước thông tin Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất là 46%, rất nhiều doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, các DN xuất khẩu cần bình tĩnh nghiên cứu và tìm giải pháp để ứng phó.

Ngày 2/4/2025 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất là 46%. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến nước ta, khi Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trước thực tế trên, rất nhiều doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, các DN xuất khẩu cần bình tĩnh nghiên cứu và tìm giải pháp để ứng phó.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) bày tỏ lo lắng với thuế đối ứng của Mỹ. Ông Phục cho rằng đây là một mức thuế phi lý và ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Vina Cleanfood.

Doanh nghiệp này hiện đang có hàng nghìn công nhân và các nông hộ liên kết sản xuất. Ông Phục cho biết, hiện doanh nghiệp đã áp dụng tình thế khẩn cấp, cho quay đầu các đơn hàng đang trên đường đến Mỹ, tạm ngưng xuất khẩu các lô hàng mới, tạm dừng, thu hẹp vùng nuôi trồng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, thông tin này khiến hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất "bối rối".

-1250-1743655991.jpg

Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu tỏ ra lo lắng khi Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất là 46%.

Ông Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực, vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tới đây, VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, chúng ta phải tìm hiểu kỹ việc này, không thể vội vàng đưa ra các thông tin gây lo lắng. “Mức thuế cao hay thấp với từng mặt hàng thế nào, ảnh hưởng như ra sao, chúng ta cần có sự cập nhật để đánh giá tác động, chứ chưa nên phản đối vội. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần tìm ra giải pháp để có các đối sách phù hợp, ứng phó với việc này” – ông Dũng đưa ra lưu ý.

Theo vị chuyên gia này, Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 6 năm qua dao động từ 1,5-2,1 tỷ USD/năm. Cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ, trong đó hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều tăng mạnh.

“Mặc dù luôn phải đối mặt các chính sách bảo hộ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhưng nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn và việc chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện đã giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này. Các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới” – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nói thêm.

Ở lĩnh vực rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, mức thuế 46% của Mỹ sẽ không áp dụng cho tất cả các mặt hàng của Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ mà họ sẽ lựa chọn những mặt hàng nào đang xuất siêu hoặc nghi ngờ có xuất xứ nguyên liệu từ nước thứ ba như hàng điện tử, thép, nhôm, năng lượng tái tạo, dệt may, giày dép,… Đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ, có thể xem xét đến một số mặt hàng đang có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm trong nước của họ như cá tra.

Đối với ngành hàng rau quả, hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Mỹ nên sẽ không bị áp mức thuế này. Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi chúng ta nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD.

“Tuy nhiên, trước những thay đổi chính sách thuế của Mỹ, theo tôi, các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn” – ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị.

Góp ý thêm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định: Doanh nghiệp cần tính toán các giải pháp để đảm bảo đà tăng trưởng.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, đảm bảo tăng trưởng 4% của ngành trong năm 2025, chúng ta cần phải “dĩ bất biến ứng vạn biến” để vượt qua, tính toán các giải pháp để đảm bảo đà tăng trưởng. Các lĩnh vực như: Chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp… đều có sự đóng góp quan trọng. Riêng với ngành chăn nuôi, thời gian qua giá lợn có thời điểm tăng mạnh.

Trong thời gian tới, cần nắm rõ tình hình để có thể điều tiết trên cơ sở vai trò nhà nước; công việc phải xuyên suốt, không được bỏ trống địa bàn, nhiệm vụ. Cần các sáng kiến, giải pháp toàn diện để kiểm soát chặt chẽ những vấn đề lớn của ngành như con giống, thức ăn, môi trường, an toàn dịch bệnh, giết mổ… để ngành đạt được được các mục tiêu như đã đề ra.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Trong đó, xét thị trường theo quốc gia, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%.

Hồng Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết