HFIC đã sai phạm trong đầu tư tài chính như thế nào?
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân liên quan vi phạm tại Công ty Đầu tư tài chính TP. HCM (HFIC) giai đoạn 2010 - 2016.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra HFIC đã có nhiều sai phạm trong việc đầu tư tài chính dài hạn.
HFIC được thành lập theo Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 02/02/2010 với mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước; trong giai đoạn 2012-2016, UBND TP đã quyết định chuyển giao 8 Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước về làm doanh nghiệp thành viên của HFIC.
Sau khi tiếp nhận, quy mô vốn chủ sở hữu của HFIC tăng từ 3.671 tỷ đồng lên 8.205 tỷ đồng.
HFIC đã thực hiện cổ phần hóa xong 6/8 doanh nghiệp tiếp nhận, tổng vốn điều lệ của 6 doanh nghiệp khi tiếp nhận là 823,5 tỷ đồng, giá trị phần vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 1.073,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, cả 6 doanh nghiệp được HFIC cổ phần hóa đều còn những vướng mắc khi xử lý các tồn đọng tài chính trong quá trình cổ phần hóa, chưa quyết toán chuyển thể từ doanh nghiệp cổ phần hóa sang công ty cổ phần theo thời hạn quy định.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, HFIC đã có nhiều sai phạm trong việc đầu tư tài chính dài hạn.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính HFIC, tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn của HFIC tại thời điểm 30/6/2017 theo sổ sách là 3.250 tỷ đồng, trong đó, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của HFIC hoạt động kinh doanh không hiệu quả, số dự phòng trích lập thời điểm 31/12/2016 là 226 tỷ đồng.
Khoản đầu tư vào dự án Tháp SJC sau hơn 9 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn chưa được khởi công xây dựng (Dự án khởi công từ tháng 12/2016 nhưng tạm dừng do hồ sơ pháp lý dự án gặp vướng mắc).
Việc HFIC tiếp tục đầu tư góp vốn để thực hiện dự án Tháp SJC là chưa đúng quy định. Mặc khác, nguồn lực tài chính HFIC cần được ưu tiên sử dụng vào các chương trình trọng điểm, các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm. Dự án Tháp SJC không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn.
Khoản đầu tư của Công ty Quản lý kinh doanh nhà (đơn vị thành viên HFIC) tại Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue để xây dựng Dự án số 8 -12 Lê Duẩn thực hiện chậm; HFIC không thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM và Ngân hàng thương mại Việt Á.
Đối với việc cấp tín dụng đầu tư dự án, trong giai đoạn 2010 - 2016, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng trên địa bàn TP. HCM với tổng mức đầu tư là 25.039 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm 30/12/2017 là 4.747 tỷ đồng (trong đó nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là 242 tỷ đồng, chiếm 5%).
Theo Thanh tra Chính phủ, kiểm tra 16 hồ sơ, dư nợ thời điểm ngày 31/8/2017 của HFIC là 2.646 tỷ đồng, phát hiện một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, phê duyệt cho vay tại 7 hồ sơ.
Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra chọn mẫu 8/53 cơ sở nhà, đất UBND thành phố đã bán chỉ định năm 2013, năm 2014 cho các tổ chức đang thuê nhà. Tuy nhiên, trước khi trình UBND TP. HCM phê duyệt bán chỉ định và giá bán, các đơn vị tham mưu có thiếu sót.
Cuối tháng 02/2022, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung kết luận thanh tra "việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của HFIC", giai đoạn thanh tra 2010 - 2016.
Để giải quyết chức năng, nhiệm vụ của HFIC cho phù hợp với tình hình, từ giữa năm 2020, Thủ tướng đồng ý với đề án của UBND TP. HCM thí điểm thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của thành phố và chấm dứt chức năng thí điểm của HFIC.
HFIC chỉ còn lại một chức năng nhiệm vụ chính là quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Hiện nay, chức năng quỹ đầu tư phát triển địa phương của HFIC đã được thể chế hóa tại Nghị định 147/2020 (quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương) với các chức năng gồm cho vay, đầu tư, ủy thác và nhận ủy thác vốn.