A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng

Hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua còn nhiều khó khăn. Trung bình mỗi tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi

Sáng 5.5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu

Trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nêu đánh giá, nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi tích cực nhưng còn tiềm ẩn nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

Trong năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phục hồi tích cực, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực.

Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm. Chính trị ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm.

Công tác đối ngoại chủ động, toàn diện, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

"Đặc biệt, Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho hay.

Tồn tại cần khắc phục

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, thách thức.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên.

Tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực (doanh thu bán lẻ hàng hóa nếu loại trừ yếu tố giá ước chỉ tăng khoảng 5,6% trong quý I/2025); khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; trung bình mỗi tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (đến hết tháng 3 đạt 9,53% kế hoạch, thấp hơn so với mức 12,27% của cùng kỳ năm 2024).

Xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực, cho thấy dư địa để nâng cao năng lực nội sinh còn lớn, mức độ tập trung thương mại của Việt Nam gia tăng (đến hết Quý I/2025, 3 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam chiếm đến 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao gấp đôi mức 24% của năm 2015).

Thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần được theo dõi sát để kịp thời kiểm soát các rủi ro phát sinh.

"Đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp", ông Phan Văn Mãi nêu.

Quang cảnh kỳ họp Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi

Gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng. Ảnh: Quochoi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng nhấn mạnh, tình hình giá vàng trong nước tăng cao và có biến động khó lường, công tác quản lý thị trường vàng còn hạn chế, cần tiếp tục được hoàn thiện...

Công tác xây dựng pháp luật còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Cải cách thủ tục hành chính tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra; một số quy định hiện hành vẫn gây khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng nêu, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc xã hội và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Một số vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng cần tiếp tục được quan tâm, xử lý kịp thời.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết