A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp dệt may phải đợi ít nhất đến cuối năm để hưởng lợi từ EVFTA

Muốn hưởng lợi từ EVFTA, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ vải trở đi. Xuất khẩu hàng may mặc, giày da của Việt Nam sang EU đạt 9,4 tỷ USD năm 2019. TCM là đơn vị hiếm hoi trên thị trường tự sản xuất được vải. TNG và đối tác lớn Decathlon đã tìm được nguồn cung vải trong nước.

Chiều 12/2, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất.

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Riêng với nhóm hàng dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ  “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi thì hàng dệt may phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà cả Việt Nam và EU có FTA, như Nhật Bản và một số nước ASEAN.

Theo thống kê Tổng cục hải quan, năm 2019, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may, giày dép lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ với 9,4 tỷ USD, chiếm hơn 18,4% giá trị xuất khẩu. Thuế cho hàng may mặc của Việt Nam vào thị trường châu Âu bình quân đang ở mức 9,6% (chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập - GSP) nên khi EVFTA có hiệu lực rõ ràng sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trong nước.

Tuy nhiên, để được hưởng lợi khi xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu từ công đoạn vải trở đi. Đây là nút thắc lớn do rất ít doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được vải mà đa phần nhập từ Trung Quốc. Việt Nam nhập khoảng 11,52 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại từ Trung Quốc, chiếm 48% giá trị nhập khẩu; phần còn lại nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ…

Trong một sự kiện đầu năm 2020, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex cũng chia sẻ, để đáp ứng được các quy tắc về xuất xứ trong EVFTA thì Việt Nam cần phải đầu tư vào khâu sản xuất vải. Tuy nhiên, khi đầu tư, doanh nghiệp cần tính đến khả năng cạnh tranh mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng, giá thành… với các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc (chiếm 54% lượng vải toàn cầu), Ấn Độ (chiếm 20%). Do vậy, doanh nghiệp chỉ nên đầu tư làm vải khi có sự đảm bảo của đối tác đứng đầu chuỗi cung ứng (những người có vai trò quyết định về mẫu mã, sản lượng, kênh phân phối), có đầu ra cho sản phẩm, thay vì đầu tư dàn trải, bởi không thể cạnh tranh với giá vải nhập từ nhà sản xuất lớn kể trên.

Nằm trong nhóm ít doanh nghiệp sản xuất được vải, Dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ( HoSE: TCM ) kỳ vọng được hưởng lợi nhiều khi hiệp định EVFTA có hiệu lực nhờ. Đơn vị có 3 mặt hàng chính là sợi, vải và sản phẩm may mặc đóng góp vào doanh thu theo tỷ lệ 13%, 14,5% và 71% (số liệu 2018).

Theo báo cáo FPTS, mảng sợi một phần xuất sang Trung Quốc (khoảng 50%) và phần còn lại để sản xuất vải. Còn mảng vải của TCM có 50% xuất sang Nhật và 50% tiêu thụ nội địa. Mảng may mặc chủ yếu xuất sang các quốc gia châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Mỹ và EU. Trong đó, ở thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc công ty xuất theo đơn hàng liên quan đến E-land (cổ đông lớn).

Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc TCM cho biết doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu mặt hàng may mặc đóng góp khoảng 10% doanh thu. Các mặt hàng may mặc của TCM xuất sang thị trường này đang bị áp thuế bình quân 12,5% nên khi hiệp định có hiệu lực thì sẽ tăng sức cạnh tranh sản phẩm hơn.

Mặt khác, sản xuất được vải là lợi thế lớn của doanh nghiệp. Ngoài để đáp ứng nhu cầu nội bộ, các doanh nghiệp khác muốn xuất khẩu hàng vào châu Âu phải mua vải từ Việt Nam nên TCM cũng kỳ vọng hưởng lợi ở mảng này.

Dù vậy, EVFTA mới được Nghị viện châu Âu thông qua và để đi đến bước có hiệu lực phải đợi Quốc hộ Việt Nam thông qua. Do vậy, theo ông Tùng, sớm nhất cũng phải qua quý III thì EVFTA chính thức có hiệu lực và cũng cần có độ trễ vài tháng nữa các khách hàng mới bắt đầu đặt hàng. Để thấy con số rõ ràng do tác động của EVFTA ít nhất phải quý IV. Đó là chưa tính đến việc lộ trình giảm thuế cũng diễn ra từ từ chứ không giảm ngay về 0%.

Công ty TNG ( HNX: TNG ) có thị trường châu Âu là chủ lực chiếm đến 53% cơ cấu doanh thu xuất khẩu, riêng thị trường Pháp là 40% với khách hàng lớn Decathlon.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG đánh giá EVFTA được thông qua là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đơn vị hưởng lợi là đơn vị đã có sự chuẩn bị nguồn cung vải ở trong nước. Với bản thân TNG đang gia công cho khách hàng lớn nhất Decathlon (doanh thu 14 tỷ euro/năm), TNG và đối tác này đã có sự chuẩn bị phần lớn lượng vải ở trong nước. Đối tác cung ứng vải chủ yếu của đơn vị là nhà máy Trần Hiệp Thành tại TP HCM, chuyên sản xuất vải dệt thoi và dệt kim.

Đối với khách hàng lớn Decathlon, năm 2019, TNG cung cấp đơn hàng trị giá 80 triệu USD, năm 2020 xây dựng kế hoạch khoảng 100 triệu USD. Song, sắp tới Chủ tịch Decathlon sẽ đích thân sang thăm doanh nghiệp, ông Thời cho rằng nhiều khả năng đối tác tăng sản lượng đặt hàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan