Doanh nghiệp cần nhưng không dám vay vốn
Cần có giải pháp kéo lãi suất xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay, đồng thời, có sự chia sẻ, kéo giảm lãi suất, phải “mềm hóa” việc thế chấp, định giá tài sản.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, hơn 30 năm làm việc trong ngành cơ khí, doanh nghiệp phát triển nhờ vốn vay ngân hàng, thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất, kích cầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của TP.HCM.
Tuy nhiên, quá trình vận hành doanh nghiệp, nguồn vốn vay ngân hàng còn phải đổ vào nhiều đầu việc khác như đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị… Trong khi đối với ngành sản xuất làm ra được đồng tiền để trả lãi ngân hàng là rất khó. Đặc biệt, để kiếm ra được đồng lãi trả lãi 10% trở lên là điều không thể. Vì doanh nghiệp không làm ra sản phẩm bán lời tới 20-30%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị áp lực trong việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc.
Đồng quan điểm, ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng ở mức rất cao, trong khi doanh nghiệp sản xuất nếu quản lý tốt lắm thì lãi ròng chỉ đạt khoảng 6-7%.
“Vì vậy, để phát triển nền công nghiệp phụ trợ, nhà nước phải là bà đỡ, từ đó xây dựng nền công nghiệp tự cường, không để doanh nghiệp tự bơi", ông Lâm nói.
Cụ thể, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về lãi suất, cũng như mở rộng điều kiện cho vay. Chẳng hạn, bên cạnh cho vay dựa vào tài sản thế chấp là nhà xưởng, thì ngân hàng cân nhắc cho vay dựa trên hợp đồng doanh nghiệp thuê đất dài hạn 50 năm ở các khu công nghiệp để xây nhà xưởng và sản xuất kinh doanh.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng cho thấy các ngành sản xuất chủ lực đều xuất khẩu sụt giảm. Ngành dệt may tăng trưởng giảm, ngành thủy sản xuất khẩu giảm 30%, ngành gỗ giảm 40%, bất động sản “đóng băng” kéo theo hệ lụy các lĩnh vực sắt thép, xi măng đóng băng 90%, hoạt động kinh doanh dường như khựng lại…
“Các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Hiện nay, phải thừa nhận cầu giảm, làm ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA chia sẻ.
Khó khăn tương tự Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP. HCM Phạm Văn Việt cũng cho biết các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, toàn ngành dệt may giảm hơn 19% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có các cơ chế để xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.
Hiện nay, các doanh nghiệp cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động, đồng thời cũng cần nguồn vốn đề đầu tư và tái cấu trúc. Thực tế là nếu ngành dệt may không chuyển đổi số, chuyển đổi sang 4.0 thì 2-3 năm nữa sẽ tụt hậu, đi sau các nước.
Do đó, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt như giữ nguyên nhóm nợ, tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay...
Hiện doanh nghiệp dệt may tồn kho lớn ở cả đầu vào lẫn đầu ra, các khoản phải thu cũng lớn nên dòng tiền rất quan trọng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có chính sách linh hoạt hơn trong điều kiện cho vay, còn nếu vẫn giữ điều kiện như trong bối cảnh bình thường thì doanh nghiệp cũng gặp khó trong tiếp cận vốn.
Đáng lưu ý, bên cạnh việc các ngân hàng cần có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp, Chủ tịch HUBA cho rằng, doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay.
Do đó, cần có chính sách sâu hơn cho dòng vốn dài hạn. Cần có giải pháp kéo lãi suất xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay. Bên cạnh đó, cần phải tính lại thế chấp tài sản, định giá tài sản. Cần có sự chia sẻ, kéo giảm lãi suất, phải “mềm hóa” việc thế chấp, định giá tài sản. Hiện doanh nghiệp có đất đai nhưng thủ tục pháp lý kéo dài nên cũng khó thế chấp.