A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số, các ngân hàng và doanh nghiệp đã đạt được kết quả gì?

Trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 vừa diễn ra, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã có những chia sẻ về hành trình và kết quả chuyển đổi số đơn vị đã đạt được. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trích đăng một số ý kiến.

Xung lực cho quá trình chuyển đổi số tại Vietcombank

vcb.jpg

Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank)

Có thể nói, hành lạng pháp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo ra cho Vietcombank rất nhiều xung lực mới cho quá trình chuyển đổi số. Gần đây nhất, trong chiến lược phát triển 5 năm, tầm nhìn 2030 của Vietcombank, lần đầu tiên Vietcombank xây dựng chiến lược phát triển song hành với chiến lược chuyển đổi số, có chương trình hành động rất rõ ràng với các nền tảng cơ sở về công nghệ, dữ liệu cùng hệ thống chính sách, cơ sở pháp lý mà cơ quan quản lý trực tiếp là NHNN đã mở ra. Đây là yếu tố góp phần trọng yếu trong việc làm nên thương hiệu của Vietcombank.

Vietcombank cũng thực hiện chuyển đổi số từ nội bộ đến khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp. Đến thời điểm này, theo Quyết định 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, mục tiêu đến năm 2025 đạt được 80% tỷ trọng giao dịch xử lý trên kênh số thì quý II/2024, Vietcombank đã đạt được 92%. Với nghiệp vụ ngân hàng cung ứng toàn bộ trên kênh số thì bán lẻ của Vietcombank cũng đã đạt được 71%.

Đến thời điểm này, Vietcombank đã xác thực kết nối với Bộ Công an. Trong hơn 6 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học thì Vietcombank có hơn 22% xác thực từ VNeID kết nối trực tuyến từ Digibank.

3 nhóm trụ cột trên hành trình chuyển đổi số của BIDV

bidv.jpg

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

BIDV xác định trụ cột chuyển đổi số trên niềm khao khát làm chủ công nghệ và làm chủ ứng dụng tới khách hàng. Xác định trụ cột đó, BIDV đang xây dựng nền tảng quan trọng, tập trung 3 nhóm chính:

Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng công nghệ: nâng cấp toàn bộ hệ thống core banking cốt lõi của ngân hàng, hệ thống core thẻ, các hệ thống ứng dụng cần nâng cấp theo cấu trúc API mở. Số lượng giao dịch trên hệ thống core banking của BIDV đang xử lý hơn 10 triệu giao dịch.

Trong xu thế phát triển chung, số lượng giao dịch sẽ còn tiếp tục tăng, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng cho sự phát triển này cũng cần sẵn sàng.

BIDV cũng đã nghiên cứu và phát triển trên nền tảng đám mây, đã xây dựng các hệ thống và tăng cường an ninh mạng.

Thứ hai, chuẩn bị, quy hoạch tập hợp dữ liệu, xử lý các bài toán về phân tích dữ liệu cơ bản, ứng dụng AI trong kinh doanh của ngân hàng.

Thứ ba, BIDV cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực số. Hiện, BIDV có 1.000 nhân sự công nghệ, dự kiến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 1.400 nhân sự. Đây là sự đầu tư rất tốn kém nhưng cần thiết cho ngân hàng có thể làm chủ tương lai số hóa trong thời gian tới.

Với 3 nền tảng đó, BIDV đã có chiến lược về chuyển đổi số cho cả hoạt động nội bộ và khách hàng.

Trong đó, đối với nội bộ, tất cả các giao dịch của BIDV đều được thực hiện 100% trên nền tảng B.One, áp dụng hệ thống chữ ký số và tham vấn cấp thấp quyền.

Hệ thống này được xây dựng bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ của BIDV, giúp giải phóng rất nhiều thời gian làm việc và xử lý công việc. Có thể xử lý công việc ở mọi lúc, mọi nơi một cách thông thoáng.

Đối với khách hàng, BIDV dùng nền tảng BIDV Smart Banking. BIDV đã hợp tác với các Fintech, ứng dụng công nghệ, triển khai open API, cốt lõi là ứng dụng AI để có chỉ dẫn và định hướng cho khách hàng, người dùng trong thời gian ngắn nhất.

Với quy hoạch và chiến lược rõ ràng, sự hỗ trợ của cộng đồng các công ty công nghệ lớn của Việt Nam, các công ty Fintech, đặc biệt là sự dẫn dắt của NHNN với các nền tảng về công nghệ và về mặt pháp lý đã tạo điều kiện cho BIDV và các NHTM có một hành trình chuyển đổi số mạnh mẽ và sáng tạo, đem lại giá trị mới cho khách hàng và cộng đồng.

TPBank tiếp cận toàn diện bài toán về dữ liệu

tpbank(2).jpg

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)

Trong kỷ nguyên số, dữ liệu có vai trò hết sức quan trọng. Ai nắm trong tay dữ liệu, người đó sẽ chiến thắng. Các ngân hàng thường có rất nhiều nguồn dữ liệu nhưng vấn đề là làm sao có thể quy hoạch dữ liệu đó.

Để làm được điều này, TPBank đã thành lập Trung tâm về dữ liệu, có đầy đủ các bộ phận chức năng. Từ đó khai thác được tối đa dữ liệu, làm sạch dữ liệu để tránh dữ liệu rác; sau đó, dân chủ hóa dữ liệu có phân lớp để triển khai dữ liệu một cách rộng khắp toàn ngân hàng.

Cùng với đó, các quyết định hay vận hành đưa ra tại TPBank đều được dựa trên dữ liệu chứ không phải trên ý chí chủ quan của lãnh đạo. TPBank đã đưa ra được quy ước chung: mọi công việc, đề xuất lên đều phải có thu thập, phân tích dữ liệu. Trên cơ sở phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định và tỷ lệ quyết định dựa trên dữ liệu sẽ được tính là KPI của đơn vị đó. Đây không phải là chỉ tiêu của riêng khối CNTT, mà là của bất kỳ khối nào. Dân chủ hóa giúp việc khai thác dữ liệu hiệu quả nhất.

Hiện TPBank đang đi đầu trong triển khai cho vay trên kênh số, với lượng khách vay trên kênh số chiếm gần 5% tổng danh mục tín dụng. Khác với kênh vay truyền thống, TPBank vận hành trên kênh số tất cả các khâu từ ký hợp đồng đến phát vay. Kênh này cũng có khả năng phân tích, nghiên cứu dữ liệu và chấm điểm tín dụng khách hàng trong vài phút, giúp quy trình cho vay nhanh chóng, an toàn và mang lại lợi ích cho khách hàng. Cho vay trên kênh số cũng giúp TPBank quản lý được tỷ lệ nợ xấu ở mức khá thấp, lượng khách hàng cũng ngày càng tăng.

Ngoài ra, TPBank cũng ứng dụng dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác như ứng dụng AI để phân tích hành vi khách hàng tại từng điểm giao dịch giúp tiết kiệm được 25% lượng tiền mặt, tiết kiệm được chi phí vận hành tại các điểm giao dịch Livebank.

Công nghệ đã thay đổi vị thế của Techcombank

techcombank.jpg

Ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Mấu chốt của Techcombank là sử dụng các công nghệ số như công nghệ AI, GEN AI, Machine Learning như một động lực để nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Đó cũng là cách thay đổi vị thế của Techcombank.

3 năm qua, chuyển đổi số tại Techcombank không chỉ đơn thuần là kênh giao dịch số, kênh giao dịch online, mà chính là nguồn doanh thu mới. Hiện nay, khoảng 35% doanh thu của Techcombank đến từ khách hàng số hoặc giao dịch số.

Bên cạnh đó, Techcombank đã sử dụng toàn bộ lực lượng lao động để tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Hằng năm, Techcombank tiến hành đào tạo 4 lần cho cán bộ nhân viên.

Chuyển đổi số đã cho phép Techcombank không chỉ trở thành ngân hàng số mà còn có thể tương tác được với khách hàng nhiều hơn. Quá trình chuyển đổi số cũng giúp Techcombank định nghĩa lại trải nghiệm khách hàng, giúp cá nhân hóa tới từng khách hàng.

Để làm được điều đó, Techcombank đã đầu tư rất lớn, chạy nhiều chiến dịch quảng bá tới khách hàng. Trước đây, nếu phải mất đến 4 tuần để chạy một chiến dịch quảng bá thì hiện nay, với công nghệ, Techcombank chỉ cần 1 ngày để chạy một chiến dịch quảng bá tới khách hàng. Điều này cho phép Techcombank tương tác với hàng triệu khách hàng.

Dựa trên sự thấu hiểu khách hàng từ dữ liệu có được, Techcombank đã tạo ra 8.000 biến số cho mỗi một khách hàng, sử dụng 45 thuật toán về máy học để xác định khách hàng có nhu cầu gì sắp tới, từ đó đưa ra khoảng 7 triệu thông điệp, giúp cá nhân hóa và nâng cao độ hài lòng của khách hàng.

Đột phá giúp MB tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt

mr-hoc-mbbabk.jpg

Ông Nguyễn Xuân Học, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)

Ngay khi thực hiện chuyển đổi số, Ban lãnh đạo MB xác định phải làm chủ tối đa công nghệ, vì chỉ làm chủ công nghệ thì tốc độ ra sản phẩm mới nhanh.

Cùng với đó, Ban lãnh đạo MB cũng xác định phải ra quyết định dựa trên dữ liệu. Thay vì ra quyết định cảm tính dựa trên báo cáo từ các cấp gửi lên thì nhìn vào dữ liệu để ra quyết định. Ban lãnh đạo cũng đã thay đổi phương pháp làm việc từ truyền thống sang làm việc mới để nâng cao năng suất và hiệu quả.

MB xác định kinh doanh dựa trên 4 nền tảng: App MBBank, BIZ MBBank, Banking as a Service (BaaS), App Thiện nguyện để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Ngoài ra, MBBank bắt đầu từ sớm việc vận hành thẩm định, phê duyệt tập trung. MBBank ứng dụng công nghệ về robotic giúp tăng năng suất lao động, giai đoạn 2017-2023 gần như không phải tăng nhân sự trong khi kết quả kinh doanh vẫn tăng rất tốt.

Trợ lý ảo của Viettel có năng suất vượt trội hơn 200 lần

mr-ngoc-viettel.jpg

Ông Lê Đăng Ngọc, Giám đốc Nền tảng Trí tuệ Nhân tạo, Viettel AI

Viettel đã triển khai trợ lý ảo (Callbot) trong chăm sóc khách hàng. Tổng đài của Viettel có thể thực hiện 24/7 với 2 triệu cuộc gọi/ngày, hỗ trợ 2.000 cuộc gọi đồng thời. Khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng qua Callbot và tư vấn viên thì tỷ lệ hài lòng là như nhau, trong khi tỷ lệ kết nối Callbot cao hơn 2%; năng suất vượt trội hơn 200 lần và tối ưu đơn giá gấp 5,2 lần so với tư vấn viên.

Tháng 5/2010, Viettel lần đầu tiên triển khai trợ lý ảo hỗ trợ nhân viên bán hàng. Đến nay, khi khách hàng gửi câu hỏi lên tổng đài, trợ lý ảo của Viettel sẽ trả lời toàn bộ nghiệp vụ khách hàng ngay lập tức cho người bán hàng, hỗ trợ đến 160 kịch bản, 200.000 từ khóa, rút ngắn thời gian hỗ trợ nghiệp vụ từ 2 phút xuống 5 giây.

Ngoài ra, trợ lý ảo hỗ trợ nghiệp vụ BO của Viettel giúp giảm 30% thời gian xử lý công việc của cán bộ nhân viên, giúp giải đáp tự động 24/7 với thời gian phản hồi dưới 1 giây/tin nhắn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan