Để giữ phong độ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần những bước đi mới
Tính chung quý I/2025, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt hơn 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy sự phục hồi ổn định và triển vọng khả quan của ngành hàng chủ lực này, song để giữ “phong độ”, ngành hàng cá tra đang đứng trước nhiệm vụ kép, vừa mở rộng thị trường, vừa nâng cao năng lực ứng phó với biến động.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, tháng 3/2025, xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiếp tục tăng trưởng dương 16%, đạt 182 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cá tra quý I/2025 đạt hơn 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục khẳng định là điểm đến hàng đầu của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Riêng tháng 3/2025, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 38 triệu USD, tăng 4% so với mức cùng kỳ.
Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 105 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá tra quý I/2025 đạt hơn 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024. |
Xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 3 mặc dù giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt hơn 29 triệu USD, nhưng vẫn duy trì là điểm đến lớn thứ 2 của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra quý I/2025 sang thị trường này đạt 69 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Brazil tiếp tục nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng với mức tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang quốc gia Nam Mỹ này trong tháng 3/2025 đạt hơn 20 triệu USD, gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Tính trong quý I/2025, xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt hơn 48 triệu USD, tăng mạnh 73% so với cùng kỳ năm ngoái – một tín hiệu cho thấy tiềm năng tiêu thụ bền vững, đặc biệt đối với sản phẩm phile cá tra đông lạnh
Khu vực Liên minh châu Âu tiếp tục là thị trường ổn định cho cá tra Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 đạt gần 45 triệu USD, tăng 16%. Trong đó, Hà Lan là quốc gia nhập khẩu lớn nhất trong khối, đạt 12 triệu USD trong ba tháng đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan giữ vị trí thứ tư trong danh sách các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam. Chỉ riêng trong tháng 3, giá trị xuất khẩu sang quốc gia này đạt gần 8 triệu USD, tăng 27% so với tháng 3/2024. Tổng cộng trong quý I/2025, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt 20 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ – thể hiện nhu cầu ổn định và bền vững từ thị trường ASEAN.
Đánh giá việc Hoa Kỳ dự kiến áp thuế đối ứng lên sản phẩm Việt Nam, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, cho rằng đây là một cú sốc lớn, đặc biệt bởi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty. Tuy nhiên, đại diện DN này cũng khẳng định mức thuế nhập khẩu, dù ở bất kỳ ngưỡng nào từ 10% đến 46%, vẫn là chi phí do nhà nhập khẩu Hoa Kỳ chịu.
“Cá tra Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh lớn do nguồn cung ổn định, chất lượng đồng đều và ít đối thủ thay thế. Mức thuế cao có thể làm giảm sức mua trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, người tiêu dùng và nhà nhập khẩu sẽ có thời gian điều chỉnh để duy trì thị trường. Chúng tôi không bi quan và vẫn tin rằng sản phẩm cá tra sẽ giữ được vị thế,” đại diện Vĩnh Hoàn chia sẻ.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội đan xen thách thức, ngành hàng cá tra đang đứng trước nhiệm vụ kép: vừa mở rộng thị trường, vừa nâng cao năng lực ứng phó với biến động. Với nền tảng uy tín đã được xây dựng từ nhiều năm qua, kỳ vọng rằng cá tra Việt sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thủy sản thế giới – mang đến giá trị cao nhất cho người nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cũng đồng thời cho biết, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch với các con số thận trọng nhằm phản ánh đúng áp lực biên lợi nhuận. Về dài hạn, DN sẽ đa dạng hóa ngành hàng, trong đó DN đang mở rộng đầu tư sang nuôi và phát triển sản phẩm từ cá rô phi.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp thủy sản khác đang chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2024. Để nâng cao giá trị, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách làm, chủ động hơn, bài bản hơn để thích ứng hiệu quả với những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia đầu ngành, Việt Nam nên sớm có một trung tâm dữ liệu quốc gia cho ngành thủy sản. Ở đó sẽ cập nhật mọi thông tin, chính sách, diễn biến của thị trường để giúp nông dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
VASEP nhận định, tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý I sang các thị trường vẫn ổn định và năm 2025 xuất khẩu cá tra tiếp tục nỗ lực chinh phục những cột mốc mới.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường Mỹ. Việc Mỹ hoãn thuế 90 ngày mang lại tâm lý tích cực hơn cho thị trường.
Tuy nhiên, VASEP khuyến nghị doanh nghiệp cá tra Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông...
Xét ở góc nhìn lạc quan, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường này, người tiêu dùng tại Mỹ đã phần nào quen với hương vị của loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi - một loài cá thịt trắng có nhiều điểm tương đồng với cá tra Việt Nam, lớn nhất thế giới và lớn nhất cho Mỹ, nhưng đang phải chịu mức thuế kỷ lục. Do đó đây sẽ là một cơ hội cho cá tra Việt Nam nếu như cá rô phi Trung Quốc vào Mỹ quá đắt đỏ và nếu như Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về thuế.
Hồng Hương