A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư ‘xanh hóa’ sản xuất cho doanh nghiệp: Thêm hỗ trợ, tránh rào cản

Mối băn khoăn của các doanh nghiệp trong việc đầu tư “xanh hóa” sản xuất là vẫn chờ định hình rõ ràng những chính sách ưu đãi đặc biệt, trong bối cảnh e ngại chậm trễ trong các quy định và các rủi ro pháp lý, cùng những rào cản về mặt thủ tục, chính sách trong lộ trình chuyển đổi xanh. Cho nên, điều cần làm là phải tháo cho được các “nút thắt” này.

Nói về “xanh hóa” sản xuất cho các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, Ts. Scott McDonald (Đại học RMIT) cho rằng việc đầu tư vào khu công nghiệp bền vững hay khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích về cả mặt tài chính lẫn phát triển bền vững.

Chờ định hình rõ ràng những ưu đãi

Tuy vậy, như băn khoăn của Ts. McDonald, Chính phủ đã và đang hỗ trợ phát triển công nghiệp bền vững bằng cách ban hành các nghị định hoặc chính sách, nhưng những ưu đãi đặc biệt dành cho nhà đầu tư vẫn cần được định hình rõ ràng hơn để khuyến khích các ngành công nghiệp và DN trong các khu công nghiệp áp dụng các thông lệ bền vững và vận hành trong khuôn khổ thân thiện với môi trường.

-4260-1726827833.png

Việc đầu tư “xanh hóa” sản xuất của các DN cần tránh những rào cản khâu thủ tục và có thêm những chính sách ưu đãi rõ ràng hơn nữa.

“Chắc chắn có thách thức khi triển khai các thông lệ bền vững trong các ngành công nghiệp, chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững của môi trường, hay vượt qua các rào cản đầu tư ban đầu. Những khó khăn này không dễ khắc phục, nhưng với nỗ lực của Chính phủ trong việc dẫn dắt sáng kiến này, hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp bền vững hay khu công nghiệp sinh thái hình thành trong những tháng năm tới”, vị chuyên gia của RMIT bộc bạch.

Hoặc như biện pháp đánh thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang tạo áp lực ứng phó cho các DN Việt. Do đó, như lưu ý của chuyên gia kinh tế Phan Minh Hòa, Chính phủ cần có ưu đãi cho đầu tư mới của DN vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới thân thiện với môi trường, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm nhiên liệu. Nguồn thu từ thuế carbon cần được phân bổ đúng vào mục tiêu tài trợ DN và xã hội bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, để cho DN đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm ứng phó với biện pháp đánh thuế carbon lại không hề dễ dàng. Như chia sẻ ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Tổng giám đốc Schaeffler Việt Nam, một trong những khó khăn được chỉ ra liên quan đến sự chậm trễ trong việc ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện các dự án điện mặt trời khi các quy định này vẫn đang trong quá trình soạn thảo.

Theo ông Thắng, điều này, một mặt, gây bế tắc cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời sau năm 2020; mặt khác lại tạo ra sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới trong thời gian tới.

Còn với việc đầu tư hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu, ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc CTCP Vũ Phong Energy, đề xuất cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và chi tiết. Bên cạnh đó cần tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Nhất là nên tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tài chính, bao gồm việc cung cấp các khoản vay ưu đãi, miễn giảm thuế, hoặc hỗ trợ chi phí lắp đặt cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu và hệ thống lưu trữ năng lượng.

Song song đó, theo ông An, cần khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng. Điều này có thể bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu, tạo điều kiện cho các DN hợp tác với các viện nghiên cứu, và khuyến khích việc áp dụng các công nghệ mới.

Cần sớm tháo các “nút thắt”

Bên cạnh những bất cập về mặt pháp lý với năng lượng tái tạo, trong lộ trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của các DN cũng đang e ngại có nhiều rào cản ở phía trước.

Chẳng hạn như khi bàn về việc thúc đẩy tăng trưởng xanh ở vùng Tây Nguyên trong một hội thảo vào cuối tuần qua do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) tổ chức, ông Đặng Việt Hùng, Phó chủ tịch của ESG Plus Club, đã chỉ rõ thách thức lớn về mặt tài chính khi chỉ có 30% DN trong vùng này tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Mặt khác, chi phí logistics ở vùng này cũng cao hơn 20% so với các vùng khác do thiếu trung tâm phân phối lớn.

Không những vậy, xét về rào cản pháp lý, theo ông Hùng, có đến 80% DN trong vùng Tây Nguyên cho biết thủ tục phức tạp là rào cản lớn trong đầu tư. Đó là chưa kể còn thiếu chính sách ưu đãi thuế rõ ràng cho đầu tư nông nghiệp và năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, khi nói về thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam, bà Trần Hương Giang, Giám đốc chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt, cho biết khó khăn hiện nay là nguồn lực và năng lực hạn chế, thể chế lại đang định hình, công nghệ chưa vượt trội, thời gian chuyển đổi không còn nhiều, nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa cao.

Còn theo Ts. Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT), để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030 và cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần phải thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc.

Ts. Huy chia sẻ một số điểm chính mà Chính phủ Việt Nam cần lưu ý cho việc này. Đó là cơ sở hạ tầng cần thiết cho sàn giao dịch tín chỉ carbon phải triển khai quy trình đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV) lượng phát thải theo cấp công ty và cấp trang thiết bị. Sàn giao dịch phải đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn dù giai đoạn thí điểm có thể còn thấp. 

Theo đó, Chính phủ nên cân nhắc đưa các công nghệ mới nổi như chuỗi khối (blockchain) và Trí tuệ nhân tạo (AI) vào để giảm chi phí và tăng cường tính minh bạch và chính xác cho quy trình MRV. Những công nghệ này còn cho phép Việt Nam mở rộng và hội nhập với thị trường carbon của các quốc gia và khu vực khác như EU, Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Vị chuyên gia của RMIT lưu ý giá cả phải do thị trường quyết định, không có sự can thiệp của Chính phủ, có nghĩa đây phải là thị trường tự do. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam nên xem xét hình phạt thích hợp đối với các công ty không tuân thủ và hạn chế các khoản phạt có thể khiến DN ngừng hoạt động.

Tóm lại, đầu tư cho “xanh hóa” hoạt động sản xuất là con đường tất yếu các DN muốn tồn tại và phát triển phải tham gia. Tuy nhiên, đứng trước những rào cản pháp lý, chờ định hình rõ ràng những ưu đãi, cùng các khúc mắc về khâu thủ tục, đòi hỏi khâu quản lý, thủ tục hành chính và hoạch định chính sách phải tháo cho được những “nút thắt” này. Có như vậy mới giúp cho DN chuẩn bị được nền tảng và hành trang tốt hơn cho hoạt động “xanh hóa” DN mình trên con đường đầy gian khó này.

                                                                                          Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan