A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thẳng thắn nhìn nhận thị trường bất động sản vẫn méo mó

Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất 8,7% và 8,2% mỗi năm để hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, liều thuốc kích thích này vẫn không thể lay động được thị trường vốn đã ở trạng thái bất động từ gần một năm nay. Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, mức lãi suất 8,2%/năm đối với người mua nhà vẫn còn quá cao; cần phải đưa lãi suất về 5-6% để giúp thị trường phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy.

Trước hết, cần khẳng định việc tìm kiếm giải pháp để phá băng thị trường bất động sản là rất cần thiết, vì đây là ngành có sức lan tỏa cao của nền kinh tế. Nhưng trước khi bàn đến giải pháp phục hồi thị trường, cần phải làm rõ chúng ta muốn có thị trường bất động sản như thế nào – thị trường mà hầu như chỉ dành cho giới đầu cơ hay một thị trường người có nhu cầu chỗ ở thực có thể tiếp cận?

Phát biểu tại hội thảo do báo Thanh Niên tổ chức gần đây, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói rằng cần thẳng thắn nhìn nhận thị trường bất động sản của Việt Nam hiện vẫn méo mó, kích thích đầu cơ…; sản phẩm bất động sản hiện nay phục vụ cho đầu cơ là chính, không đáp ứng nhu cầu người sử dụng; giá đất bị đẩy lên cao. Trong khi đó, các nhà kinh doanh bất động sản sử dụng công cụ tài chính thái quá, không kiểm soát được rủi ro, gây hệ quả.

Rõ ràng bức tranh về thị trường bất động sản được Tiến sĩ Trần Du Lịch chỉ ra ở trên không phải là một thị trường lành mạnh, vì nó chỉ “phục vụ cho đầu cơ là chính”. Một thị trường mà hầu như chỉ phục vụ cho đầu cơ, trong đó nhà kinh doanh bất động sản – bao gồm nhà phát triển dự án và người mua để đầu cơ, sử dụng công cụ tài chính “thái quá”, rõ ràng là không có lợi cho nền kinh tế. Nó không chỉ là mối nguy đối với hệ thống tài chính, mà còn khiến cho cơ hội sở hữu nhà ở của người có nhu cầu thực ngày càng trở nên xa vời. Vì vậy, các giải pháp của Chính phủ nhằm phòng ngừa những rủi ro cho nền kinh tế từ thị trường bất động sản, như siết lại tín dụng để hạn chế việc sử dụng đòn bẩy tài chính, là việc cần làm. Vì vậy, đặt vấn đề phải nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất để cứu một thị trường vốn đã rất méo mó là bất hợp lý.

Cũng cần nói thêm rằng, lãi suất tín dụng tăng không phải nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản đóng băng, mà chỉ là chất xúc tác thúc đẩy tình trạng này đến nhanh hơn thôi. Vì với thị trường mà yếu tố đầu cơ là động lực tăng trưởng chính, sẽ chẳng có mấy người muốn bỏ tiền ra mua nhà cửa, đất đai ở những thời điểm mà triển vọng tăng giá không còn, và càng không dám sử dụng đòn bẩy tài chính cho dù chính sách tín dụng được nới lỏng và lãi suất hạ xuống.

Còn với người có nhu cầu thực về chỗ ở, với mặt bằng giá cao ngất như hiện nay, dù lãi suất tín dụng có giảm xuống 5-6%, thì ước mơ có được căn nhà riêng vẫn sẽ chỉ là ước mơ.

Trong bối cảnh này, bất động sản chỉ có thể rã băng khi mặt bằng giá hạ xuống đến mức mà thị trường cho là hợp lý. Mọi giải pháp để cứu vãn thị trường vốn đã méo mó chẳng những chẳng giúp ích được gì cho ngành bất động sản, mà còn có nguy cơ kéo theo cả hệ thống tài chính xuống vực. Tất nhiên, mặt bằng giá bất động sản bị đội lên có một phần nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Đây là điều Chính phủ cần sớm giải quyết để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kéo mặt bằng giá nhà cửa, đất đai xuống, đồng thời cũng là điều kiện để ngành kinh doanh bất động sản được phát triển bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan