A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất động sản phường Phú Thọ trầm lắng sau sáp nhập

Phường Phú Thọ mới dù trùng tên với tỉnh và là trung tâm của thị xã Phú Thọ cũ nhưng bất động sản tại đây lại trầm lắng sau sáp nhập.

Bất động sản phường Phú Thọ trầm lắng sau sáp nhập

Bất động sản tại phường Phú Thọ trầm lắng sau sáp nhập. Ảnh phường Hùng Vương cũ: Tô Công.

Phường Phú Thọ được thành lập trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hùng Vương, xã Văn Lung và xã Hà Lộc của thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ cũ.

Như trước đây, phường Phú Thọ hiện tại có vị trí trung tâm của đô thị thị xã Phú Thọ cũ, diện tích tự nhiên trên 23 km2, quy mô dân số gần 28.000 người.

Phường Phú Thọ sẵn có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại (nhất là tại phường Hùng Vương cũ), địa phận xã Văn Lung và xã Hà Lộc cũ cũng đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng những năm qua.

Trung tâm phường Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.
Khu vực trung tâm phường Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.

Sau khi sáp nhập, không gian phát triển của phường Phú Thọ đã được mở rộng, cùng với đó trên địa bàn có nhiều tuyến đường quan trọng như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Nút giao IC9), cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (điểm cuối), đường nối cầu Ngọc Tháp - xã Đông Thành, đường trục chính Hùng Vương, tỉnh lộ 315 nối Quốc lộ 2...

Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương và các nhà môi giới bất động sản trong khu vực, thời gian trước và sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, giá đất tại phường Phú Thọ đã không tăng như đồn đoán.

Nhiều diện tích khu công nghiệp Phú Hà nay thuộc phường Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.
Nhiều diện tích khu công nghiệp Phú Hà nay thuộc phường Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.

Anh Trần Văn Hùng - người dân sống tại phường Phú Thọ (xã Hà Lộc cũ) - chia sẻ: "Trước đây, khi mới có tin xã Hà Lộc và xã Văn Lung sẽ nhập với phường Hùng Vương thành phường Phú Thọ, tôi đã thấy có nhiều người làm môi giới bất động sản đến để tìm mua đất, người dân cũng nghĩ là từ xã lên phường mà lại còn trùng tên với tỉnh thì giá đất sẽ tăng... Thế nhưng, thực tế giá đất vẫn vậy, cũng chẳng thấy việc mua bán đất rầm rộ như nhiều người dự liệu".

Theo anh Hán Đức Mạnh - chủ Sàn giao dịch bất động sản CMT (tại phường Phong Châu, thuộc xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ cũ), nhiều người đã đồn đoán bất động sản tại phường Phú Thọ và 2 phường mới khác là Phong Châu và Âu Cơ (thuộc thị xã Phú Thọ cũ) sẽ tăng giá, tuy nhiên thực tế đã không như vậy.

Đường Hùng Vương đoạn qua địa bàn phường Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.
Tuyến đường Hùng Vương, đoạn qua địa bàn phường Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.

Riêng phường Phú Thọ, theo anh Mạnh, khu vực đất có giá trị cao nhất là mặt đường 35 m (đường trục chính Hùng Vương), một lô đất ven đường này có giá từ 4 đến 6 tỉ đồng cho 5 m mặt đường. Sau sáp nhập, giá đất tại đây đã không thay đổi, thậm chí ít người mua đất hơn trước vì người dân thời điểm này ngại việc xây nhà khi giá vật liệu xây dựng tăng cao.

"Tại phường Phú Thọ chỉ có khu vực giáp cổng sau khu công nghiệp Phú Hà (thuộc xã Hà Lộc cũ) là đất tăng giá, một lô đất từ đầu năm 2025 giá khoảng 1,9 tỉ đồng nay đã lên khoảng 2,3 tỉ đồng. Dù vậy, sau sáp nhập giá đất lại chững lại, giao dịch không còn nhộn nhịp, nhìn chung bất động sản tại khu vực này cũng đã trầm lắng".

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Ngọc Dương - Trưởng phòng Kinh tế phường Phú Thọ - cho biết, từ ngày 1.7 đến nay, địa phương chưa nhận được hồ sơ nào xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết