Ăn nhiều protein vẫn không giảm cân và 10 sai lầm phổ biến bạn cần tránh
Ăn chế độ giàu protein nhưng cân nặng không thay đổi. Có thể bạn đang mắc 10 sai lầm làm cản trở nỗ lực giảm cân.
Ăn nhiều protein vì sao không giảm cân? Ảnh: Thùy Dương
Chế độ ăn giàu protein từ lâu đã được xem là giải pháp tối ưu cho việc giảm cân. Protein không chỉ giúp tăng cảm giác no, hỗ trợ xây dựng cơ bắp mà còn thúc đẩy trao đổi chất. Tuy nhiên, nếu bạn đã áp dụng đầy đủ những nguyên tắc này mà vẫn không thấy kết quả, thì có thể bạn đang mắc phải những lỗi phổ biến mà nhiều người thường gặp phải trong hành trình giảm cân.
Theo Tiến sĩ Pratayksha Bhardwaj, chuyên gia dinh dưỡng và quản lý cân nặng tại New Delhi, Ấn Độ, protein tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả trong giảm cân: “Protein giúp bạn no lâu và tăng cường trao đổi chất đôi chút, nhưng nếu tổng lượng calo nạp vào vẫn quá cao, việc giảm mỡ sẽ không diễn ra".
Dưới đây là 10 nguyên nhân phổ biến khiến bạn không giảm cân dù đã ăn nhiều protein:
Không tạo thâm hụt calo:
Dù ăn nhiều protein nhưng nếu bạn vẫn tiêu thụ nhiều calo hơn mức đốt cháy, cơ thể sẽ không giảm mỡ.
Bỏ qua nhóm dinh dưỡng khác:
Tập trung quá mức vào protein có thể khiến bạn thiếu carbohydrate phức hợp và chất béo lành mạnh, những yếu tố cần thiết cho năng lượng và trao đổi chất. “Cắt bỏ hoàn toàn tinh bột có thể dẫn đến mệt mỏi và làm chậm quá trình trao đổi chất", tiến sĩ Bhardwaj nhận định.
Thiếu vận động:
Ăn đúng chưa đủ, bạn còn cần tập luyện đều đặn. Các bài tập aerobic như đi bộ hoặc chạy bộ, kết hợp với tập luyện sức mạnh, đã được chứng minh giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Thiếu chất xơ:
Bữa ăn nhiều protein nhưng ít chất xơ dễ khiến bạn nhanh đói. Bổ sung rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và đậu sẽ cải thiện cảm giác no và hỗ trợ tiêu hóa.
Ăn quá nhiều protein:
Protein dư thừa vẫn có thể chuyển hóa thành chất béo. Một nghiên cứu trên Clinical Nutrition cho thấy tiêu thụ quá nhiều protein thay carbohydrate có thể dẫn đến tăng cân.
Giấc ngủ kém:
Ngủ không đủ hoặc ngủ quá nhiều ảnh hưởng đến hormone điều chỉnh cảm giác đói. Một nghiên cứu trên Nutrition, Metabolism & Cardiovascular Diseases cho thấy thời lượng ngủ không hợp lý liên quan tới nguy cơ béo phì cao hơn.
Căng thẳng mãn tính:
Mức cortisol cao do căng thẳng có thể làm tăng tích trữ mỡ bụng. Thiền, yoga hoặc đi bộ nhẹ có thể giúp kiểm soát tình trạng này.
Bỏ bữa:
Nhịn ăn không giúp giảm cân, ngược lại còn làm chậm quá trình trao đổi chất. “Việc nhịn ăn quá lâu có thể dẫn đến ăn quá nhiều vào cuối ngày", tiến sĩ Bhardwaj cảnh báo.
Thiếu nước:
Mất nước ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu hóa, cảm giác no và năng lượng tổng thể. Nên uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày, nhiều hơn nếu bạn vận động nhiều.
Thiếu vitamin D:
“Vitamin D ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo và điều hòa hormone", tiến sĩ Bhardwaj cho biết. Nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn. Bạn nên kiểm tra máu định kỳ và bổ sung thực phẩm như trứng, cá hồi hoặc sữa tăng cường.
Giảm cân là một quá trình toàn diện, không chỉ phụ thuộc vào một yếu tố như protein. Bằng cách cân bằng chế độ ăn, rèn luyện thể chất đều đặn và duy trì lối sống lành mạnh, bạn sẽ sớm thấy những kết quả rõ rệt trên hành trình giảm cân của mình.