A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng quyền lợi để bớt khó khăn cho lao động mất việc

Người lao động, cán bộ công đoàn đồng tình với đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp khi sửa đổi Luật Việc làm. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết quy định cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 144 tháng.

Tăng quyền lợi để bớt khó khăn cho lao động mất việc

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân

Để người lao động mất việc, bớt phần khó khăn

Cách đây hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị Hoa (nhân vật đã đổi tên) chấm dứt hợp đồng lao động, chính thức thất nghiệp sau hơn 13 năm làm công nhân. Sau khi mất việc, chị làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với quãng thời gian đóng BHTN 13 năm, chị được hưởng ở mức tối đa là 12 tháng BHTN với mức 4,6 triệu đồng/tháng. Mức tiền này được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Với số tiền này, chị Hoa phải tằn tiện lắm mới đủ để trang trải những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Khi nghe về đề xuất tăng mức hưởng từ 60% lên 75%, chị Hoa bày tỏ đồng tình, ủng hộ. “Công nhân khi mất việc, không có thu nhập nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nếu có thêm đồng nào trợ cấp thất nghiệp thì họ sẽ bớt khó khăn, tập trung tìm kiếm công việc mới” - chị Hoa chia sẻ.

Chị Hoa cũng đồng tình với đề xuất thời gian tham gia BHTN trên 144 tháng được bảo lưu. “Tôi còn 1 năm đóng BHTN chưa được tính bảo hiểm thất nghiệp, nhưng không được bảo lưu, đóng nối vào quãng thời gian đóng BHTN mới hiện nay. Vì vậy, tôi mong được bảo lưu thời gian đóng BHTN này, mang lại thêm quyền lợi cho người lao động” - chị Hoa chia sẻ.

Những lao động đã lớn tuổi, phải đối mặt với nguy cơ bị đào thải càng ủng hộ đề xuất này. Chị Nguyễn Thị Huyền (50 tuổi, trú tại thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), bị mất việc vào tháng 10.2023 do chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc về nước không trở lại.

Hiện nay, tuy đã đi làm ở công ty mới với thu nhập khoảng 6,1 triệu đồng/tháng, tạm đủ để trang trải cuộc sống, nhưng về lâu dài, chị Huyền vẫn rất bất an, lo lắng bởi nguy cơ bị mất việc, đào thải là rất lớn khi chị đã ngoài 50 tuổi. “Vì vậy, tôi mong sẽ được tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp so với hiện nay. Nếu chẳng may bị mất việc một lần nữa, tôi sẽ rất khó xin việc mới, vì vậy, nếu có thêm tiền trợ cấp, tôi sẽ bớt đi nhiều khó khăn” - chị Huyền chia sẻ.

Tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75% là phù hợp

Về nội dung này, Tổng LĐLĐVN đề nghị đơn vị soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp.

Ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐVN - cho biết, thực tế đa số các doanh nghiệp đóng BHTN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.

“Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp” - ông Vũ Hồng Quang nói.

Bên cạnh đó, ông Quang giải thích, việc không bảo lưu thời gian tham gia BHTN trên 144 tháng cùng với quy định giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động dẫn đến tìm cách để “bớt thiệt” của người lao động, với việc nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đến ngưỡng.

Theo ông Quang, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn hiện hành cũng không có quy định nào xác định quỹ BHTN là quỹ ngắn hạn, hơn nữa cần phải có tính toán lâu dài hơn đối với quỹ này, để khi tình trạng thất nghiệp được giải quyết thì quỹ BHTN có thể trở thành quỹ an sinh xã hội, phòng ngừa rủi ro cho những tình huống bất khả kháng gây ảnh hưởng đến việc làm.

Ông Quang cho rằng, cần thiết quy định cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian tham gia BHTN trên 144 tháng, để tránh gây những xáo trộn không đáng có, tạo điều kiện cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm làm việc, để họ thực sự gắn bó với quỹ, tiếp tục đóng, tham gia quỹ, tăng quỹ; đồng thời giải quyết chế độ cho bản thân người lao động hay thân nhân của họ khi gặp rủi ro về việc làm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan