Quy định về bảo hiểm xã hội cho thuyền viên gặp nhiều bất cập
Ngày 22.9, tại Đại hội VI Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã trình bày ý kiến, kiến nghị của cán bộ đoàn viên, người lao động đối với Đảng, nhà nước, các bộ, ngành và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Hải nêu kiến nghị của đoàn viên, người lao động liên quan đến vấn đề đóng, hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của thuyền viên.
Ông Nguyễn Văn Hải cho biết theo quy định của Luật BHXH hiện nay: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản".
Còn theo quy định tại Khoản 3, Điều 169 Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 thì người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Tức là thuyền viên có thể nghỉ hưu từ 57 tuổi.
Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, quy định về đóng BHXH cho thuyền viên gặp bất cập ở chỗ: Theo quy định về thời gian làm việc và nghỉ phép của thuyền viên thì thuyền viên làm việc 9 tháng sẽ được nghỉ phép, nghỉ bù 3 tháng, tổng số là 12 tháng (1 năm). Nếu thuyền viên ra trường bắt đầu đi làm năm 22 tuổi và nghỉ hưu ở tuổi 57 thì thời gian công tác tại doanh nghiệp là 35 năm. Vậy thời gian thuyền viên có tham gia đóng BHXH là thời gian làm việc ở dưới tàu được tính là 35 năm x 9 tháng = 315 tháng (tương đương 26,25 năm, làm tròn là 26,5 năm).
Theo quy định Luật BHXH hiện nay, từ năm 2022 trở đi quy định người lao động đóng đủ 20 năm BHXH (đối với lao động nam) thì được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; cứ đóng thêm 1 năm được tính thêm 2%. Tổng cộng tỷ lệ phần trăm tiền lương hưu tối đa của thuyền viên là: (45% cho 20 năm đầu) + (6,5 năm còn lại x 2%/năm) = 58% mức lương làm căn cứ hưởng BHXH. Như vậy mặc dù thuyền viên đi làm đủ thời gian và nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định đối với nghề đi biển nhưng mức lương hưu sẽ giảm 17% so với người làm việc trên bờ (nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và đủ thời gian đóng bảo hiểm thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%).
Một điều thiệt thòi nữa là việc không được đóng BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian nghỉ dự trữ sẽ ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh khi thuyền viên không may bị ốm đau, tai nạn rủi ro trong thời gian này. Đồng thời sẽ là khó khăn khi giải quyết chế độ thôi việc cho thuyền viên.
Do pháp luật hiện hành quy định mức trợ cấp thất nghiệp bằng tiền lương bình quân đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi thôi việc, mất việc làm.
Thay mặt đoàn viên, người lao động, trong đó trực tiếp là đội ngũ thuyền viên, lãnh đạo Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải kiến nghị, đề xuất: Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét có quy định để người sử dụng lao động và người lao động là thuyền viên được tham gia BHXH hợp lệ trong thời gian nghỉ bù không hưởng lương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động là thuyền viên khi nghỉ hưu.
Đề nghị quy định riêng đối với lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Thuyền viên được tính cứ đóng đủ 15 năm được hưởng 45%. Từ năm thứ 16, cứ đóng thêm mỗi năm được tính thêm 2%, tối đa hưởng không quá 75%.
Về bảo hiểm y tế, đề nghị bỏ quy định bảo hiểm y tế đối với thuyền viên trong thời gian làm việc trên tàu, vì trong thời làm việc trên tàu đã có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (P&I) mà chủ tàu đã mua...