Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn gỏi cá sống
Những năm gần đây, các món ăn chế biến từ gỏi cá sống hay sashimi kiểu Nhật trở thành món nhậu khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, không ít người đã bị nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm do thói quen ăn hải sản sống.
Những "đặc sản" gỏi sống dễ nhiễm ký sinh trùng
Ngoài các món chế biến từ thịt cá sống sashimi du nhập từ Nhật Bản, một số món gỏi sống được xem là món ăn đặc sản của nhiều vùng miền nước ta như: Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Phú Yên...
Trong đó, các món gỏi cá có thể là cá được cắt thành những miếng nhỏ, trộn với thính, gia vị, rau thơm; hoặc cũng có một số nơi, sau khi bắt được cá đang bơi, họ ăn trực tiếp cả con cá với rau sống, rau thơm...
Bệnh nhân T điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Ngoài ra, nhiều loại hải sản ăn tái như thịt tôm, cua được băm nhỏ trộn với gia vị, nhúng qua nước chanh tươi kèm với các loại rau lõi chuối tươi, rau rừng, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…).
Tuy nhiên, chuyên gia cho biết dù chế biến cầu kỳ đến đâu thì ăn gỏi sống cũng đều có thể đưa ký sinh trùng, giun, sán vào cơ thể nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng do thói quen hay ăn gỏi cá sống. Theo lời kể của bệnh nhân, khi thấy có biểu hiện ngứa khắp người (nhất là vùng mông), nam bệnh nhân T.Đ.T (21 tuổi, ở Yên Bái) đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám trong tình trạng sốt, chóng mặt, nôn, ngứa nhiều, tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da.
Đáng chú ý, dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng đều có hình ảnh giun sán ký sinh trùng di chuyển. Anh T được nhập viện theo dõi với chẩn đoán nghi nhiễm giun sán ký sinh trùng (nghi do giun rồng).
Trước đó, anh T cho biết có ăn gỏi cá, sau khi ăn, có biểu hiện ngứa nhiều khắp người, nhất là vùng mông. Anh gãi đến trầy xước da khiến vùng gãi gây áp xe mủ.
Bác Sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Người bệnh có nhiều tổn thương ban đỏ rải rác toàn thân dạng nấm hắc lào gây nên. Đặc biệt, vùng da mặt, dưới cánh tay và dưới đùi 2 bên có hình ảnh ký sinh trùng di chuyển dưới da, trong đó vùng đùi 2 bên tạo ổ áp xe đã vỡ, vùng dưới cẳng tay có biểu hiện viêm mủ, lộ đầu giun.
Ngay sau đó, bệnh nhân được xử lý và lấy ra bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30cm. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân nhiễm Dracunculus sp (giun rồng).
Bệnh nhân được làm huyết thanh chẩn đoán các loại giun sán, ký sinh trùng khác và dương tính với khá nhiều loại giun sán khác như sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo. Hiện tại, bệnh nhân được theo dõi các tổn thương ở các vị trí trên cơ thể.
“Tổn thương vỡ có thể giun sẽ chui ra, nhân viên y tế hoặc người nhà có thể lấy dụng cụ từ từ lôi giun ra. Việc lấy giun có thể lấy luôn ra được hoặc có thể mất vài ngày; tránh không làm đứt giun và không rạch dọc, rạch rộng theo chiều dài của giun để lấy giun ra”, bác sĩ Thiệu lưu ý.
Ngoài ra, bác sĩ Thiệu khuyến cáo, cách điều trị duy nhất hiện nay là lấy giun rồng ra, hoặc giun sẽ tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ chảy nước vàng trên da. Nếu giun không tự chui ra hoặc không được lôi ra, có thể gây áp xe tại chỗ trú trên cơ thể người.
Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị bệnh giun rồng, chỉ có thể điều trị theo triệu chứng. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm được những biến chứng nguy hiểm.
Một số bệnh ký sinh trùng chính có thể lây sang người
Ở Việt Nam các loại gỏi sống thủy hải sản từ nhiều loại cá: cá nước ngọt, nước mặn, nước lợ... Tuy nhiên khi ăn gỏi cá, thực khách phải đối diện với các nguy cơ nhiễm các loại ký sinh trùng như giun Anisakis gây đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn.
Trong một số trường hợp, các kháng nguyên có trong Anisakis simplex có thể gây phản ứng dị ứng; sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ; nhiễm chất độc trong nước thải công nghiệp như Methyl thủy ngân; nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn có trong nước bẩn nuôi cá.
Dễ nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn các món gỏi cá sống |
Gỏi sống thủy hải sản có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng và các mầm bệnh khác do môi trường sống tự nhiên của cá, cua, tôm hay các loại hải sản hoặc do quá trình chế biến, xử lý thực phẩm không đúng cách. Đáng lo ngại, một số ký sinh trùng không gây ra triệu chứng cấp tính rõ ràng nào, thì nhiều loại ký sinh trùng có thể gây hại nghiêm trọng về lâu dài.
Ký sinh trùng là những sinh vật sống ký sinh trên các sinh vật sống khác (gọi là vật chủ) chiếm sinh chất để sống, gây nhiều tác hại cho vật chủ. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là không nên ăn các loại thủy hải sản sống mà nên nấu nướng thật chín. Các biện pháp truyền thống như ngâm hải sản sống vào cốt chanh, giấm đều không diệt được giun, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng gì.
Để chủ động phòng bệnh giun sán, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
Đồng thời, người dân không sử dụng thịt động vật ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt tái, chưa nấu chín, gói sống, nem chua sống hay rau sống không đảm bảo vệ sinh. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.