A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn 2 tháng

Tại Phiên họp thứ 4 của "Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" diễn ngày 11/4, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu.

Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Cùng dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

img2928-17469275889562120486211(1).jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các địa phương đã hoàn thành việc rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: Trước hết trên quy mô toàn quốc từ phiên họp thứ 3 đến nay, tình hình chuyển đổi nhanh và kết quả rõ rệt hơn.

Các địa phương đã hoàn thành việc rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn của cả 3 đối tượng gửi báo cáo về Trung ương. Có những địa phương giảm đi nhưng cũng có địa phương số lượng gia tăng.

Cho đến nay tất cả các địa phương xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Có 9 tỉnh có thời gian chậm nhất cũng đều đăng ký đến ngày 31/10. 9 tỉnh đăng ký tháng 9 hoàn thành. Như vậy có 18 tỉnh đăng ký trong tháng 9, còn lại đều đăng ký trước tháng 10.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại phiên họp thứ 3, có 7 địa phương xóa xong nhà tạm nhà dột nát. Từ đó đến nay chúng ta có thêm 8 địa phương hoàn thành dịp 30/4, bao gồm Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Khánh Hòa.

Trong 8 địa phương này, có 3 địa phương hoàn thành 100% cả 3 lĩnh vực là Cần Thơ, Khánh Hòa và Tây Ninh. Còn 5 địa phương gồm Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Trà Vinh thì có địa phương còn nợ lĩnh vực nhà của người có công và một số địa phương nợ chương trình mục tiêu giảm nghèo.

Theo đăng ký, trong tháng 5/2025 sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành chương. Ngày 15/5 này, Sơn La sẽ công bố hoàn thành, còn lại Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An, Hòa Bình.

Đến tháng 6/2025, sẽ có thêm 16 địa phương đăng ký hoàn thành. Như vậy theo kế hoạch, cuối tháng 6/2025, đầu tháng 7/2025, có khả năng có 37 địa phương hoàn thành chương trình, có thể sơ kết bước đầu được.

26 địa phương còn lại đăng ký từ tháng 7 - 10/2025 sẽ hoànthaành, trong đó: tháng 7/2025 có 4 địa phương, tháng 8 có 9 địa phương, tháng 9 có 9 địa phương, tháng 10 địa phương có 9 địa phương.

Kết quả đến nay cả nước đã xóa được 209.000 căn nhà/tổng số rà soát đăng ký đợt cuối cùng là 270.800 căn, trong đó khánh thành 111.000 căn, khởi công 98.000 căn, đạt 77%.

Như vậy, từ phiên họp thứ 3 đến nay đã tăng 87.000 căn, bình quân đạt 26 căn nhà/1 địa phương mỗi ngày. "Đối tượng hộ cận nghèo thuộc chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát, tức là không nằm trong chương trình mục tiêu, không nằm trong nguồn người có công, là đối tượng khó khăn nhất thì tỉ lệ hoàn thành cao nhất, đạt 80% cả nước. Chúng tôi lo nhất là đối tượng này thì lại hoàn thành 80%", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Về hỗ trợ nhà người có công, mặc dù Trung ương chưa hỗ trợ tiền xuống nhưng nhiều địa phương đã cố gắng ứng trước hoặc vận động kinh phí để xóa được 50,79%.

Hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia đạt bình quân là 68%, trong đó chương trình giảm nghèo thì khó khăn hơn, mới đạt 52%.

Về huy động nguồn lực hỗ trợ, đã có 3142.8 tỷ đồng theo phương án huy động ngày 5/10/2024, đạt 91,8%. Đến giờ này, các nhà tài trợ đều tài trợ hết. Còn 2 đơn vị nữa là Tập đoàn Dầu khí và TH TrueMilK cam kết trong tháng 5 sẽ thực hiện, lúc đó sẽ đạt 100%.

Về xã hội hóa các nguồn lực, theo báo cáo của các địa phương, đã huy động được hơn 1.807 tỷ đồng; đóng góp của các hộ gia đình được 1.074 tỷ đồng.

Ngoài ra, các địa phương còn huy động 321.000 ngày công, 660 tấn xi măng, 500 m3 đá, 310.000 viên gạch, 150 khối cát nền, 3.000 viên ngói.

Đặc biệt, trong hoạt động này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rất quyết liệt. Một số đơn vị khó khăn vướng mắt về đất, đến giờ này cơ bản đã giải quyết. Đến ngày hôm qua, cập nhật phần mềm, không có địa phương nào kêu khó khăn về đất nữa.

Khó khăn nhất hiện nay là kinh phí hỗ trợ để làm nhà người có công chưa triển khai được. Thủ tướng đã duyệt 1.970 tỷ đồng để trình Quốc hội nhưng Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến; một số địa phương tự ứng tiền trong số tiền đã được duyệt nhưng không được dùng...

Về một số việc thời gian tới, số nhà tạm, nhà dột nát thuộc 3 đối tượng cần khởi công xây dựng mới, sửa chữa còn rất lớn, thời gian còn lại ngắn. Do đó, Bộ trưởng cho biết, từ nay đến ngày 31/10/2025 cần khởi công xây dựng trên 61.800 căn. Trong đó, nhà ở đối với người có công với cách mạng khoảng 24.800 căn; nhà ở thuộc 02 chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 27.000 (giảm nghèo bền vững khoảng 23.000 căn, dân tộc thiểu số khoảng gần 4.000 căn), nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng trên 10.000 căn.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng báo cáo những kết quả của ngành/địa phương trong việc chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; đồng thời đưa ra những kiến nghị/đề xuất để chương trình sớm hoàn thành mục tiêu đề ra

Để hoàn thành mục tiêu đề ra

Phát biểu kết luận, thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương trong việc tích cực triển khai Chương trình và chuẩn bị chu đáo Phiên họp trực tuyến thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Sau một buổi làm việc khẩn trương, Phiên họp đã cơ bản thống nhất nội dung báo cáo do Bộ Dân tộc và Tôn giáo chuẩn bị và ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại biểu dự họp.

Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận Phiên họp để triển khai thực hiện.

img2925-17469402110391470333140.jpg

Quang cảnh phiên họp

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi, dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, chỉ bàn làm, không bàn lùi; cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ (xong trước ngày 27/7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2/9).

Thủ tướng nhấn mạnh phương châm: "nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", "mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần", "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít".

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến 31/10/2025 để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; cập nhật hằng ngày tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước.

Tiếp tục cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để chủ động giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Chủ trì họp trực tuyến với các địa phương còn nhiều khó khăn trong triển khai để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc.

Phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp với nhu cầu thực tế qua rà soát của địa phương; hoàn thành trước ngày 20/5/2025.

Phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương cho các địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; hoàn thành trước ngày 20/5/2025.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức sơ kết Chương trình vào cuối tháng 6/2025 để kịp thời đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp và khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Với Bộ Tài chính, trong thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định về kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng đề nghị cho phép các địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bảo đảm trong tổng số nhà đã phê duyệt, số kinh phí đã báo cáo. Chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn mức hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của Chương trình; hoàn thành trong tháng 5/2025. Chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hoàn thành theo mục tiêu đặt ra.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong hệ thống tích cực tham gia hỗ trợ và chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục xây dựng các chuyên đề, tuyến bài, các chương trình lan toả mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội, chung tay ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ Chương trình.

Các địa phương kịp thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp sau khi sắp xếp để chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn.

Ưu tiên tổ chức triển khai ngay hỗ trợ nhà ở cho người có công khi nhận nguồn kinh phí phân bổ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân, tiết kiệm chi phí xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Tăng cường công tác truyền thông, kịp thời lan tỏa tấm gương điển hình, cách làm hay, sáng tạo.

Các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, đúng đối tượng được hỗ trợ của số liệu rà soát; có trách nhiệm huy động nguồn lực bảo đảm cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Các địa phương đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát thì tiếp tục rà soát, các địa phương còn nhà tạm, nhà dột nát thì đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/10/2025.

Thủ tướng nêu rõ, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa nhưng cũng rất nặng nề nhưng hết sức vinh quang, là sứ mệnh, là tình cảm, tình cảm của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần "thời điểm đặc biệt, khí thế đặc biệt, nỗ lực đặc biệt tạo nên kết quả đặc biệt", "thần tốc và táo bạo hơn nữa", "quyết chiến, quyết thắng", đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân để làm.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết