Những thay đổi của bão số 3 Wipha khi đổ bộ đất liền, vì sao nơi mưa to nơi hửng nắng
Trưa 22.7, tâm bão số 3 Wipha đi vào đất liền các tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 - giảm nhẹ so với dự báo trước đó.
Hình ảnh vị trí bão số 3 vào sáng 21.7. Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia/Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam
Trước đó, sáng sớm 22.7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, cường độ bão số 3 Wipha khoảng cấp 9, giật cấp 10-11 khi đi vào đất liền.
Một số người cho rằng ở một số khu vực tác động của bão về mưa lớn, gió mạnh khi đổ bộ vào đất liền không lớn như dự báo trước đó.
Bão số 3 Wipha đi lệch bắc khiến gió suy giảm trước khi đổ bộ

Tuy nhiên, theo dữ liệu đo đạc thực tế từ cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ chiều 21.7 đến trưa 22.7, gió mạnh đã xảy ra trên diện rộng khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tại đặc khu Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) ghi nhận gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11; Cát Bà - đặc khu Cát Hải (Hải Phòng) cấp 6, giật cấp 8.
Một số trạm ven biển có gió rất mạnh như Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 10, giật cấp 12; Quảng Hà (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11; Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 8, giật cấp 10; Tiên Yên (Quảng Ninh) cấp 10, giật cấp 14 - đây là điểm ghi nhận gió giật mạnh nhất trong đợt bão này.
Ngoài ra, các trạm như Móng Cái (Quảng Ninh) cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 8; Ba Lạt (Hưng Yên) cấp 8, giật cấp 9; Hòn Dấu (Hải Phòng) cấp 8, giật cấp 9; Phủ Liễn (Hải Phòng) cấp 6, giật cấp 8.
Về việc bão giảm cấp, theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 21.7, bão vượt qua khu vực phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), đi vào Vịnh Bắc Bộ; cường độ cấp 9.
"Khi di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ đã giảm 3 cấp, từ cấp 12 xuống cấp 9. Sự thay đổi này là do chiều tối qua khi vào ven bờ Quảng Đông, Trung Quốc, bão đi lệch bắc dọc đất liền tạo ra ma sát làm giảm nguồn năng lượng khiến cường độ bão giảm" - ông Khiêm phân tích.
Khi đi vào vùng biển ven bờ Hải Phòng - Ninh Bình, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12 - cũng giảm 1 cấp so với dự báo trước đó. Theo ông Khiêm, do Vịnh Bắc Bộ không đủ sâu và rộng để tiếp thêm nhiều năng lượng cho bão.
"Khi đi vào bắc Vịnh Bắc Bộ bão có xu hướng đi sát vào vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng nên bão không được tích thêm năng lượng kết hợp với ma sát nên cường độ bão suy yếu xuống cấp 9 ngay trước khi bão đổ bộ, khi vào Hưng Yên - Ninh Bình, cường độ bão giảm còn cấp 8, giật cấp 10" - ông Khiêm cho biết thêm.
Hoàn lưu gây mưa nằm ở phía nam tâm bão
Về mưa lớn, trên thực tế, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ sáng 21.7 đến chiều 22.7, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa phổ biến 100 - 200mm, nhiều nơi vượt 300mm.
Đặc biệt, tại Nga Sơn (Thanh Hóa) mưa đạt 412,6mm, Sầm Sơn 379,5mm, Triệu Sơn 336,2mm, Như Thanh 327,4mm, Ba Đình 326,8mm, Hạc Thành 315,8mm.
Các trạm quan trắc Hải Anh, Giao Linh, Tam Điệp (Ninh Bình) cũng ghi nhận trên 260mm. Một số nơi ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Hải (Hải Phòng) vượt 180mm.
Trước đó, khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội được dự báo nằm trong những khu vực trọng tâm mưa. Tuy nhiên, thực tế khi bão đổ bộ vào ngày 22.7, những tỉnh thành phố thuộc khu vực trên giảm mưa, có nơi hửng nắng nhẹ.
Theo cơ quan khí tượng, ngày 21.7, khi bão đi vào phía bắc vịnh Bắc Bộ, toàn bộ khu vực Đông Bắc Bộ, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, có mưa từ chiều đến rạng sáng 22.7.
"Từ đêm 21.7 đến sáng 22.7, bão dịch chuyển theo hướng tây tây nam (tức từ dọc vùng biển các tỉnh Quảng Ninh về Hải Phòng, Hưng Yên) và sau đó ở trên vùng bờ biển Hưng Yên - Ninh Bình. Chính vì vậy, cùng với quá trình di chuyển của bão, vùng mây hoàn lưu của bão cũng dịch chuyển xuống phía nam" - ông Khiêm cho hay.
Do đó hoàn lưu mây bão ngày 22.7 đã gây mưa nhiều ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong khi đó, các địa phương nằm ở phần bắc hoàn lưu bão như Hà Nội và vùng Đông Bắc Bộ, mưa đã giảm dần so với ngày và đêm 21.7.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đã lý giải về sự phân bổ mưa không đồng đều, nơi mưa to nơi hửng nắng dù đều chịu sự tác động của hoàn lưu bão.
Theo ông Lâm, trong hệ thống mây bão hay thời tiết, không phải tất cả vùng mây đều có khả năng gây mưa, vì có thể có nhiều loại mây khác nhau. Ví dụ mây tầng cao nhiều khi chỉ che nắng. Do đó, có những khu vực dù bị mây phủ vẫn không có mưa, hoặc có lúc mưa gián đoạn rồi tạnh.
"Dù cùng trong một hệ thống hoàn lưu bão, sự khác biệt về lượng mưa, gió mạnh và mức độ nguy hiểm là điều phổ biến. Có nơi gió giật cấp 8–9, gây tốc mái, đổ cây; có nơi trời chỉ nhiều mây, không mưa và thậm chí nắng nhẹ" - ông Lâm phân tích.
Đại diện cơ quan khí tượng khuyến cáo, mưa còn tiếp diễn nhưng có thể xảy ra gián đoạn trong ngày 23.7.