A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất cấp 404,455 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) vừa có Quyết định số 568/QĐ-TCDT giao Cục DTNN khu vực Thanh Hóa thực hiện xuất 404.455 kg gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (đợt 3 năm 2022) để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Để bảo đảm xuất cấp gạo hỗ trợ địa phương theo quy định, Tổng cục DTNN yêu cầu Cục DTNN khu vực Thanh Hóa phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND huyện Mường Lát lập kế hoạch, phương án và thời gian tiếp nhận gạo gửi Cục DTNN khu vực Thanh Hóa để tổ chức thực hiện việc giao nhận.

Việc giao, nhận gạo hỗ trợ địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Văn bản số 15316/BTC-TCDT ngày 14/12/2020 về xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng và Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.

Tổng cục DTNN đề nghị Cục trưởng Cục DTNN khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo được giao xuất cấp cho địa phương kịp thời, đảm bảo gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho địa phương đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, kịp thời giao gạo tới tay người dân theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của UBND tỉnh, UBND huyện và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Tổng cục DTNN có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó đề nghị địa phương sớm có kế hoạch tiếp nhận gạo cho các đối tượng được hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, định mức, quản lý sử dụng số gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ chặt chẽ theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các quy định về quản lý, giao nhận gạo dự trữ quốc gia hiện hành.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho nhân dân các địa phương để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng góp phần giúp nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

Ý nghĩa hơn, chính sách này được người dân và chính quyền các địa phương nhiệt tình ủng hộ; mang lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng; người dân vùng cao được hỗ trợ gạo đã làm thay đổi tập quán từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, bảo vệ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết