Xe buýt điện phủ sóng TPHCM, hướng tới giao thông không khói
TPHCM đang bước vào giai đoạn tăng tốc trong chiến lược chuyển đổi mạng lưới xe buýt truyền thống sang xe buýt điện.
Hành khách đón xe buýt điện trên đường Hàm Nghi (Quận 1, TPHCM). Ảnh: Minh Quân
Hiện TPHCM có 138 tuyến xe buýt, bao gồm 108 tuyến có trợ giá và 30 tuyến không trợ giá, với tổng cộng khoảng 2.221 xe.
Trong số này, đã có 168 xe buýt điện và 528 xe sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG).
Giai đoạn 2025 - 2030, thành phố dự kiến mở thêm 72 tuyến buýt, nâng tổng số tuyến lên 210.
Từ năm 2022, TPHCM đã bắt đầu thí điểm 5 tuyến xe buýt điện. Đến nay, tuyến D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) đã được đưa vào khai thác.
Cuối năm 2024, thành phố tiếp tục mở thêm 17 tuyến buýt điện mới để "gom" khách cho tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tích hợp các loại hình giao thông công cộng.
Theo Sở Giao thông Công chánh TPHCM, ô nhiễm không khí do giao thông đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại TPHCM, đặc biệt ở các khu vực có mật độ giao thông cao. Tổn thất kinh tế do ô nhiễm ước tính lên tới 10,8 - 13,2 tỉ USD mỗi năm.
Việc chuyển đổi sang xe buýt điện không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp cấp bách để bảo vệ sức khỏe người dân và giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Nhằm tạo nền tảng pháp lý và kinh tế cho quá trình chuyển đổi, UBND TPHCM đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt điện cỡ lớn.
Đây là cơ sở để thành phố tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị vận hành phù hợp, thúc đẩy nhanh quá trình thay thế xe buýt diesel.
Buýt điện D4 chạy ở trung tâm TPHCM. Ảnh: Minh Quân
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng cho phép TPHCM xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện xanh, kiểm soát khí thải giao thông tại các khu vực trọng điểm.
Sở Giao thông Công chánh TPHCM đã hoàn tất giai đoạn 1 của đề án "Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông" và đang trình HĐND TPHCM thông qua lộ trình chuyển đổi.
Theo kế hoạch, từ năm 2025 đến 2029, các xe buýt diesel đã hoạt động từ 15 năm trở lên sẽ dần được thay thế bằng xe điện hoặc phương tiện sử dụng năng lượng xanh.
Lộ trình là đến năm 2027 có 32 tuyến buýt với 572 xe chạy dầu diesel chuyển sang ôtô điện; năm 2028 thêm 21 tuyến với gần 400 xe; năm 2029 có 19 tuyến với 268 xe. Đến năm 2030, các tuyến còn lại tiếp tục chuyển đổi để đạt 100% xe điện, năng lượng xanh.
Đối với các tuyến buýt không trợ giá (nội thành và liên tỉnh), từ năm 2025, tất cả tuyến mới hoặc xe thay thế bắt buộc phải là xe điện.
Nhằm hiện thực hóa lộ trình này, TPHCM cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng mạng lưới trạm sạc điện. Giai đoạn 2025 - 2030, các bến xe và bãi đỗ do doanh nghiệp nhà nước quản lý sẽ được đầu tư hạ tầng trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xe buýt.
Bên cạnh đó, để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xe buýt điện, TPHCM sẽ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi suất vay vốn trong thời gian dài khi mua xe, đồng thời hỗ trợ vay vốn đầu tư trạm sạc điện.