A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ "tuồn" 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài: Cần “bịt” “kẽ hở” chính sách

Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, theo các chuyên gia, Chính phủ cần “bịt” lại những “lỗ hổng” pháp luật, đồng thời sửa đổi những hạn chế trong chính sách…

hihiihiii

Tang vật của vụ án. Ảnh: CACC

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố cặp vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985) - Phạm Anh Tuấn (SN 1984, cùng trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 11 đồng phạm trong vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, với số tiền lên đến hơn 30.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý ở vụ án này, thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, đó chính là thông qua việc thanh toán các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa qua ngân hàng để qua mặt các cơ quan chức năng. Nghiên cứu từ vụ án này, các chuyên gia cho rằng, pháp luật vẫn đang tồn tại không ít những lỗ hổng, những bất cập của cơ chế giám sát, kiểm tra… chính những điều này vô tình đã “giúp” các đối tượng lợi dụng để qua mặt các cơ quan chức năng, chúng ung dung chuyển tiền ra nước ngoài thông qua kênh chính thống là các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, một trong những “lỗ hổng” chính sách hiện nay là việc quản lý doanh nghiệp, trong đó quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện nay quá dễ dãi.

Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, người đăng ký kinh doanh không cần chứng minh địa chỉ kinh doanh; khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ (Sở KH-ĐT) phải kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ mà chỉ cần hồ sơ hợp lệ (khai đầy đủ và người khai tự chịu trách nhiệm) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Do vậy, nhiều trường hợp đăng ký kinh doanh nhờ người khác đứng tên hộ, thậm chí là cung cấp hồ sơ giả, địa chỉ không có thật nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp ma, rồi hoạt động phi pháp, tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng...

Đồng thời, việc quản lý hoạt động công chứng chứng thực chưa thực sự chặt chẽ, thiếu cơ chế giám sát đối với việc sao y chứng thực các giấy tờ. Đây là lỗ hổng rất lớn khiến cho các đối tượng có thể dễ dàng sử dụng giấy tờ cá nhân của người khác để thực hiện đăng ký doanh nghiệp “ma”. Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, việc tạo điều kiện thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp đang bị lợi dụng, biến thành lỗ hổng cho tội phạm lợi dụng.

“Thực tế trong vụ án vận chuyển 30 nghìn tỷ ra nước ngoài đã chứng minh điều này. Các đối tượng đã sử dụng 8 CMND của người thân trong gia đình để thành lập ra 8 công ty “ma” làm “bình phong” để ký hợp đồng kinh tế khống mua hàng hóa quốc tế theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan. Từ đó, các bị cáo lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài”, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp phân tích.

hihihi

Tang vật của vụ án. Ảnh: CACC

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, vụ án đã bộc lộ những hạn chế trong cơ chế giám sát việc thực thi nhiệm vụ của một số cơ quan chức năng dẫn đến việc buông lỏng quản lý, tắc trách, thậm chí bao che, tiếp tay làm ngơ của cán bộ quản lý nhà nước - ở đây đó chính là một số cán bộ ngành hải quan.

Cụ thể trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã xác định có 3 công chức hải quan tỉnh Lào Cai (ông Trần Xuân Sang, Nguyễn Long Giang và Trịnh Ngọc Toàn) đã không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ để chuyển tải hàng hóa từ xe vận tải sang xe biên mậu; không kiểm tra số lượng kiện hàng tái xuất sang Trung Quốc; cũng không chứng kiến, giám sát hết quá trình chuyển tải, không biết thực tế đã chuyển tải hết các kiện hàng chưa nhưng vẫn ký xác nhận bảng kê phương tiện. Còn tại Cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, cáo trạng xác định có một số cán bộ tên Thu, Hải và Cường, không thực hiện đầy đủ quyền được giao, dẫn tới không phát hiện hàng hóa đã bị khai tăng giá trị nhiều lần.

Thực tế, không phải chỉ trong vụ án này mới thấy được điều đó mà trong rất nhiều những sự vụ khác cũng thấy bóng dáng hiện hữu của sự buông lỏng quản lý, tắc trách thậm chí bao che sai phạm. Điển hình như trong vụ nghi vấn đường dây nhập khẩu xe sang “đội lốt” quà biếu tặng mà báo chí vừa phanh phui mới đây.

Trong vụ án này còn chưa kể đến việc có sự cấu kết giữa các đối tượng với cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các các dịch vụ thanh toán quốc tế. Cụ thể theo cơ quan điều tra, một số nhân viên ngân hàng tại Móng Cái, Quảng ninh đã cấu kết với các các đối tượng để thức hiệc thành công các giao dịch thanh toán quốc tế, với mỗi giao dịch này, nhân viên ngân hàng được hưởng lợi số tiền 500,000 - 1.500.000 đồng/1 triệu USD.

Quay trở lại bài toán ngăn chặn tình trạng vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, Chính phủ cần sớm “bịt” lại những “lỗ hổng” pháp lý đang tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng để qua mặt các cơ quan chức năng. Trong đó cần hoàn thiện các quy định về Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu…

Đặc biệt, quy định về cơ chế giám sát các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu; giám sát đối với các hoạt động chuyển tiền, thanh toán các giao dịch vãng lai; giám sát chặt việc quản lý thành lập doanh nghiệp để ngăn chặn kịp thời việc thành lập các doanh nghiệp “ma” hoạt động phi pháp, tổ chức buôn lậu, trốn thuế…

Bên cạnh đó, các đối tượng sẽ không thể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội với tần suất nhiều lần, khối lượng tiền “khủng” và tại nhiều nơi nếu như không có sự tắc trách thậm chí bao che, làm ngơ của cán bộ quản lý nhà nước.

“Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ có hay không hành vi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của một số cán bộ quản lý nhà nước? Đặc biệt cần phải điều tra làm rõ có hành vi đưa nhận hối lộ hay không? Nếu có thì cần phải xử lý nghiêm những đối tượng này để răn đe kẻ khác” – Giám đốc Công ty Luật HPVN nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan