A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Trọng tài thương mại chưa là lựa chọn hàng đầu trong phương thức giải quyết tranh chấp?

Có nhiều điểm ưu việt nhưng Trọng tài thương mại chưa phải là phương thức giải quyết tranh chấp được lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân là do cơ chế giải quyết tranh chấp, thực thi phán quyết Trọng tài còn những bất cập.

 

Theo PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu, Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC), khi tranh chấp, sử dụng phương thức Hòa giải thương mại và Trọng tài tài thương mại có thể nhiều lợi ích như: thời gian giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu lực của phán quyết Trọng tài là chung thẩm rút ngắn được các trình tự giải quyết hai cấp, giữ được bí mật kinh doanh, được lựa chọn thời gian, địa điểm và người có chuyên môn tương ứng với vụ tranh chấp để giải quyết tranh chấp, phán quyết Trọng tài được cơ quan Thi hành án thi hành theo Luật thi hành án dân sự.

Tính đến năm 2021, cả nước có 22 Trung tâm Trọng tài thương mại chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dẫu có nhiều ưu việt nhưng Trọng tài thương mại chưa phải là phương thức giải quyết tranh chấp được lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng.

Tại Báo cáo thường niên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), năm 2021, VIAC đã thụ lý 270 vụ việc, trong đó tranh chấp trong nước chiếm 42,7% vụ, tranh chấp có một bên là FDI chiếm 39,2% và tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm 18,1%. Trong tổng số vụ việc được VIAC thụ lý, lĩnh vực tài chính ngân hàng chiếm tỷ lệ khá nhỏ và không được nhắc đến trong Báo cáo thường niên của VIAC. Chiếm tỷ lệ cao nhất là lĩnh vực mua bán 44,4%, cung cấp dịch vụ 27,8%, xây dựng 18,9%, bảo hiểm 3,3%, bất động sản 1,5%, logistic 2%,…

Tại Tòa án, số liệu thống kê chung được cập nhật trong năm 2020, ngành Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%), Các vụ án kinh doanh thương mại mà Tòa án phải giải quyết chủ yếu là tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng (5.192 vụ), mua bán hàng hóa (3.460 vụ).

Qua các số liệu nêu trên, có thể thấy rằng lĩnh vực tài chính ngân hàng không phải là lĩnh vực được các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết nhiều theo phương thức Trọng tài, mà các bên vẫn lựa chọn Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến trong giai đoạn hiện nay.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Phúc (Ngân hàng TMCP An Bình), sở dĩ có sự chênh lệch nêu trên là do các quy định pháp luật của Trọng tài thương mại còn có nhiều hạn chế, chưa hoàn thiện so với cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án, dẫn tới tâm lý e ngại của các bên tranh chấp khi lựa chọn phương thức giải quyết này.

Sự hạn chế này thể hiện ở các quy định về thủ tục tố tụng chưa được luật hóa, mức độ phổ biến hạn chế dẫn tới tâm lý e ngại. Một trong những ưu điểm nổi trội của phương thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài là thời gian giải quyết nhanh và phán quyết của trọng tài là chung thẩm. Tuy nhiên, Luật trọng tài thương mại 2010 lại có quy định về quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án. Cơ chế này dường như đã triệt tiêu đi ưu thế về thời gian giải quyết nhanh và phán quyết của trọng tài là chung thẩm.

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không có quy định rõ ràng về vấn để thẩm quyền xét xử của Hội đồng Trọng tài đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Do đó, nếu một trong các bên không đồng ý sẽ có quyền yêu cầu Toà án huỷ bỏ quyết định trọng tài hoặc chỉ giải quyết phần nội dung không liên quan đến các quyền, lợi ích của bên liên quan hoặc chuyển sang giải quyết tại Tòa án.

Cùng với đó, chi phí Trọng tài cũng cao hơn án phí tại Tòa án và không được hoàn lại án phí…

Luật sư Nguyễn Văn Phúc cho rằng từ thực trạng nêu trên, có thể thấy quy định pháp luật về Trọng tài thương mại còn nhiều hạn chế và cần được sửa đổi để quyết định của trọng tài thực sự được áp dụng trên thực tế và là một sự lựa chọn ưu tiên của các bên khi phát sinh tranh chấp, đồng thời giảm tải áp lực cho Tòa án.

Nhằm thúc đẩy việc sử dụng phương thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các chuyên gia cho rằng ngân hàng có thể phân chia tranh chấp mà các tổ chức tín dụng thường gặp theo nhóm khách hàng và theo loại thị trường và theo đặc thù của từng nhóm tổ chức tín dụng, từ đó lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp.

Đồng thời, sớm nghiên cứu và ban hành hoặc bổ sung vào quy chế giải quyết tranh chấp của đơn vị mình theo hướng quy định cụ thể những tranh chấp nào ưu tiên giải quyết bằng Trọng tài thương mại (căn cứ dựa trên chủ thể của hợp đồng, giá trị của hợp đồng...), từ đó soạn thảo các biểu mẫu hợp đồng tín dụng áp dụng trong từng trường hợp cho phù hợp.

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định liên quan đến quyền phán quyết của Hội đồng Trọng tài đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong tranh chấp ở lĩnh vực ngân hàng trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trường hợp nếu bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại Tòa án thành vụ việc riêng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan