A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc khuất hàng tồn kho

Với doanh nghiệp, việc gian lận báo cáo tài chính thường hướng đến việc tăng lợi nhuận, giấu đi những thông tin xấu để tạo ra một bức tranh hoàn hảo về doanh nghiệp nhằm qua mặt các nhà đầu tư, cán bộ tín dụng, đối tác bạn hàng. Hàng tồn kho là một trong những khoản mục doanh nghiệp sử dụng để làm gian lận báo cáo tài chính.

Gian lận là hành vi cố ý lừa dối, giấu giếm, xuyên tạc sự thật với mục đích tư lợi. Động cơ của gian lận thường mang lại lợi ích trực tiếp cho người thực hiện gian lận (biển thủ tiền hay tài sản…) hoặc gián tiếp (giữ vị trí lãnh đạo, tăng tiền lương, tăng tiền thưởng, tạo quyền lực…).

Gian lận hàng tồn kho chiếm phần lớn trong các gian lận định giá tài sản. Về nguyên tắc kế toán khi hàng tồn kho được bán đi, số tiền này sẽ ghi nhận vào giá vốn hàng bán và hạch toán trên báo cáo kết quả kinh doanh như một khoản giảm trừ trực tiếp của doanh thu bán hàng. Trong thực tế doanh nghiệp có thể ghi giá trị hàng tồn kho cao hơn thực tế để giảm giá vốn hàng bán và tăng lợi nhuận. Có ba cách để gian lận hàng tồn kho: tăng số lượng hàng tồn kho, khai khống giá trị hàng tồn kho và vốn hóa các chi phí không phù hợp vào hàng tồn kho.

Tăng số lượng hàng tồn kho

Doanh nghiệp tăng số lượng hàng tồn kho bằng cách ghi thêm số lượng hàng tồn kho ảo, không có thật như cố ý ghi sai bút toán, làm giả các báo cáo vận chuyển hàng hóa hoặc các hóa đơn mua hàng, khai khống số lượng trên các biên bản kiểm kê. Khi đến doanh nghiệp, các cán bộ thường chú ý đối chiếu với các số liệu hàng tồn kho mà không dễ kiểm tra trực tiếp hoặc tăng hàng tồn kho nhưng các khoản phải trả không tăng theo, vòng quay hàng tồn kho không thay đổi, có nhiều hóa đơn mua số lượng hàng hóa lớn với giá trị lớn của một đối tác mới, không phải đối tác truyền thống của doanh nghiệp hay nhập hàng và lưu trữ/ ký gửi ở những nơi mới không phải kho mà doanh nghiệp hay để hàng hóa.

Rất khó để có thể kiểm đếm hết hàng tồn kho nhưng cán bộ có thể đơn giản hơn bằng cách kiểm tra các hóa đơn vận chuyển, cộng tổng các khối lượng vận chuyển xem có khớp với số lượng hàng nhập. Đối với các mặt hàng đông lạnh cần chú ý đến điều kiện nhà kho chứa hàng có đủ điều kiện không, ước khối lượng hàng tồn với diện tích nhà kho, kiểm tra xác suất xem có các thùng rỗng hay không. Một số doanh nghiệp còn sử dụng chiêu trò “vô tình” xuất hàng nhầm cho doanh nghiệp khác, sau đó có thông báo cho doanh nghiệp này đã xuất nhầm hàng và đề nghị doanh nghiệp đó trả lại hàng hóa nhưng không khai báo hay tính cả hàng hóa ký gửi của doanh nghiệp khác vào hàng tồn kho của mình.

Khống giá trị hàng tồn kho

Hàng tồn kho là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp thế chấp vay vốn tín dụng, giá trị hàng tồn kho càng cao, doanh nghiệp càng có khả năng huy động được nhiều vốn vay. Do đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bất chấp các chuẩn mực kế toán để làm gian lận giá trị hàng tồn kho thông qua các hình thức trì hoãn việc ghi nhận các hàng tồn kho đã lỗi thời, hỏng; không tính đầy đủ các khoản dự phòng cho các hàng tồn kho bị giảm giá trị theo thời gian, đặc biệt là với các mặt hàng có thời gian sử dụng ngắn như thực phẩm, nông sản….

Một số doanh nghiệp điều chỉnh đơn vị đo lường hàng tồn kho để làm tăng giá trị như tính bằng đơn vị hộp so với đơn vị thùng trước kia (thùng có thể gồm 10 -12 hộp), hoặc có thể thay đổi phương pháp tính giá trị hàng tồn kho như tính giá trung bình, giá đích danh, nhập trước xuất trước….

Chính vì vậy, khi kiểm tra giá trị hàng tồn kho, cán bộ lưu ý đến phương pháp tính hàng tồn kho có thay đổi không, doanh nghiệp đã lập đầy đủ các khoản dự phòng chưa nhất là đối với các khoản hàng hóa đã lỗi thời.

Một ví dụ điển hình trên thị trường tài chính Việt Nam, đó là việc gian lận khai khống hàng kho của Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF- HoSE). Cụ thể, trong quí II/2016, theo kết quả kiểm toán của Công ty E&Y, trong phần thuyết minh giá vốn hàng bán bất ngờ xuất hiện khoản “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới gần 980 tỷ đồng, vì chưa xác định được hàng tồn kho này thiếu từ thời điểm nào nên Công ty E&Y đã điều chỉnh thẳng vào chi phí giá vốn hàng bán quí II/2016 thành 1.690 tỷ đồng dẫn tới khoản lỗ 807 tỷ đồng và lỗ ròng 1.073 tỷ đồng. Số dư hàng tồn kho tại ngày 30/6/2016 còn 1.834 tỷ đồng, giảm 510 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Từ một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tương đối tốt qua các năm, TTF đã tạo ra cú sốc với các nhà đầu tư cổ phiếu, EPS đạt -7.571 đồng/cổ phiếu tương đương mỗi cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cổ đông phải gánh khoản lỗ 7.571 đồng.

Nguồn: Báo cáo kiểm toán Công ty TTF 6 tháng đầu năm 2016

Gian lận do vốn hóa chi phí không phù hợp vào giá trị hàng tồn kho

Điển hình là chi phí bán hàng, chi phí chung và chi phí quản lý; thay vì ghi nhận vào chi phí trong kỳ nằm trên bản kết quả kinh doanh, doanh nghiệp gian lận sẽ ghi vào giá trị hàng tồn kho làm tăng giá trị hàng tồn kho, dẫn đến tăng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp có thể đi vay vốn được nhiều hơn hoặc tạo ra qui mô tăng ảo theo các năm. Mặt khác, khi vốn hóa các chi phí này vào hàng tồn kho, doanh nghiệp đã giảm đáng kể được chi phí trong kỳ dẫn đến tăng lợi nhuận ảo.

Để kiểm tra vấn đề này, cán bộ cần lưu ý đến tỷ lệ biên lợi nhuận có tăng bất thường qua các năm không, tỷ lệ hàng tồn kho có tăng nhanh hơn so với tỷ lệ tăng doanh thu hay không, tỷ lệ chi phí có giảm so với các năm; chi phí vận chuyển có giảm so với cùng kỳ khi số lượng hàng tồn kho vẫn tăng.

Với ba cách trên, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không đủ trung thực và bản lĩnh, vì động cơ cá nhân có thể làm gian lận hàng tồn kho để tiết giảm chi phí tạo ra lợi nhuận ảo. Cán bộ cần xem xét kỹ động cơ của doanh nghiệp trong kỳ tới (ví dụ tăng vốn, tăng giá cổ phiếu, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh…) và quản trị công ty để đưa ra kết luận phù hợp khi phân tích và sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:


Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan